Ông “trùm” buôn lậu trốn truy nã rồi bị tâm thần

Phương sử dụng pháp nhân hai doanh nghiệp nhập khẩu hàng điện máy đã qua sử dụng nhưng khai báo hải quan là máy móc sử dụng trong công nghiệp. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì Phương trốn truy nã. Sau khi bị bắt Phương bất ngờ bị tâm thần.
Các bị cáo sau phiên tòa.
Các bị cáo sau phiên tòa.

Ngày 23/4, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Huỳnh Thanh Khiết (sinh năm 1984, ngụ quận Gò Vấp) và Lê Thanh Tùng (sinh năm 1972, ngụ quận 12) về tội buôn lậu.

Theo cáo trạng, công ty TNHH Một thành viên Nam Phương Luxury do N.T.H. (vợ Huỳnh Thanh Khiết) là giám đốc. Nhưng thực tế, mọi hoạt động công ty đều do Nguyễn Thanh Phương do (sinh năm 1973, ngụ quận 10) chi phối. Ngoài ra, Phương còn mượn pháp nhân công ty Hiệp Bình Phước (ông N.Đ.A.V. làm giám đốc). Phương sử dụng pháp nhân hai doanh nghiệp trên nhập khẩu hàng điện máy đã qua sử dụng nhưng khai báo hải quan là máy móc sử dụng trong công nghiệp.

Phương chỉ đạo Lê Thanh Tùng nhận mail thông báo hàng về đến cảng rồi báo Khiết. Nhận tin, Khiết đến cảng lấy giấy tờ về giao lại Tùng. Tùng sử dụng chữ kí số của giám đốc hai công ty để đăng ký mở tờ khai hải quan điện tử, truyền dữ liệu qua mạng. Về nội dung, Tùng khai hàng nhập khẩu là máy móc cũ đã qua sử dụng. Tùng tự nghĩ ra chủng loại, số lượng hàng và làm giả những chứng từ mua bán liên quan đến lô hàng. Chữ ký bên bán do Tùng tải về từ internet rồi in ra, đóng vào hồ sơ hải quan. Hoàn tất hồ sơ “ảo”, Tùng đưa cho Khiết đi làm thủ tục nhập khẩu cảng. Khiết cầm hai bộ hồ sơ đến Chi cục Hải quan cửa khẩu tân cảng Hiệp Phước làm thủ tục khai báo nhập khẩu hàng.

 Do hai tờ khai được phân luồng vàng nên lô hàng không bị kiểm tra thực tế. Cơ quan chức năng đồng ý thông quan. Khiết thuê xe chở hàng về kho ở quận Tân Bình (TPHCM). Hai lô hàng nhập lậu có tổng trị giá hơn 4,2 tỉ đồng.

Công an tiến hành bắt giữ Khiết, Tùng và phát lệnh truy nã Nguyễn Thanh Phương. Tại cơ quan điều tra Khiết, Tùng khai do Phương chỉ đạo sử dụng pháp nhân của 2 công ty nhập ủy thác cho hai đối tượng (không rõ lai lịch) số hàng trên về TPHCM tiêu thụ.

Ngày 20/8/2017, công an bắt giữ được Phương. Tại cơ quan điều tra, Phương không thừa nhận hành vi và trình bày bản thân mắc bệnh tâm thần phân liệt, đang điều trị tại bệnh viện tâm thần Trung ương 2.

Theo kết quả giám định pháp y tâm thần của viện pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, tại thời điểm gây án đương sự hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay chưa đủ nhận thức để làm việc với cơ quan pháp luật.

Ngày 12/6/2018, Viện KSND TPHCM ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Thanh Phương.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, kết quả giám định chỉ nêu ông Phương hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi chứ không phải mất năng lực, hành vi dân sự, vì vậy cần xem xét kết quả giám định và hành vi dân sự của ông Phương.

Mặt khác luật sư cũng cho rằng, khi khẳng định ông Phương bị ‘tâm thần’ không xem xét hình sự, nhưng lại dùng lời khai của ông Phương để xem xét, quy buộc tội 2 bị cáo Khiết và Tùng là bất hợp lý. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị triệu tập điều tra viên tới tham dự phiên tòa nhằm làm rõ một số vấn đề.

Đại diện Viện KSND TPHCM cho rằng không dùng lời khai của ông Phương để buộc tội các bị cáo, trong hồ sơ vụ án có lời khai chính các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Về kết quả giám định tâm thần, đại diện Viện kiểm sát cho rằng đã làm đúng quy trình. Sau khi có kết quả giám định lần thứ nhất thì Viện kiểm sát đã thận trọng yêu cầu cơ quan giám định cấp cao hơn giám định lại. Kết quả 2 lần giám định hoàn toàn giống nhau. Hiện nay ông Phương đang bị đi điều trị bắt buộc, lúc nào đủ nhận thức làm việc với cơ quan điều tra thì sẽ xử lý sau.

Trong phần xét hỏi, cả 2 bị cáo một mực kêu oan, cho rằng mình không biết số hàng hóa làm thủ tục hải quan là hàng cấm nhập theo quy định. Mọi hoạt động của công ty do Phương chỉ đạo và quyết định. Phương là người thực hiện giao dịch với đối tác nước ngoài, mua hàng, trả tiền. Các bị cáo không được hưởng lợi từ việc buôn lậu.

Theo bị cáo Tùng: “Bị cáo không phải là người đặt mua hàng, bị cáo không liên lạc với đối tác nước ngoài. Khi hàng về cảng, Phương kêu bị cáo làm hồ sơ. Bị cáo nhận hoá đơn từ hãng tàu làm toàn bộ thủ tục để thông quan sau đó giao cho Khiết. Nhiệm vụ của bị cáo là vậy, còn việc khác, bị cáo không biết. Bị cáo không rõ Khiết có biết là hàng cấm nhập hay không. Anh Phương trao đổi công việc với bị cáo, sau đó tiếp tục đến Khiết”, bị cáo Tùng khai.

Ngày 24/4, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

Chuyên đề