Ông Danh: 'Tôi bị ép phải tăng vốn điều lệ, nên mới làm sai'

Giải thích về việc chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ khống vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, ông Danh nói do "bị Ngân hàng Nhà nước ép tăng vốn điều lệ".
Ông Phạm Công Danh.
Ông Phạm Công Danh.

Trong phiên thẩm vấn sáng 12/1, HĐXX hỏi bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) về nội dung cáo trạng quy buộc ông đã chỉ đạo cấp dưới bằng mọi cách làm hồ sơ không có thật, để 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng của BIDV.

Do các công ty này không hoạt động kinh doanh nên ông Danh dùng tiền của VNCB đảm bảo cho các khoản vay, gây thiệt hại 2.550 tỷ đồng cho VNCB.

Trước khi trả lời, ông Danh xin phép HĐXX được trình bày ý kiến bổ sung về hoàn cảnh phạm tội lúc đó "do bị cáo bị ép phải làm việc này". Chủ tọa yêu cầu "đi thẳng vào câu hỏi" nhưng ông Danh một mực muốn được nói "vì sức khỏe yếu, nếu không nói sẽ quên".

Theo ông Danh, sở dĩ lúc đó phải làm như vậy vì bị Ngân hàng Nhà nước khu vực phía Nam họp, thúc ép Ngân hàng Xây dựng phải tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng.

Chủ tọa yêu cầu ông Danh chứng minh cuộc họp đó được tổ chức ở đâu, những ai tham gia, biên bản nào thể hiện việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng vốn?

"Cuộc họp được tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực phía Nam ở bến Chương Dương, có Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương, ông Thảo - lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An...", ông Danh nói.

Ông Danh "không nhớ" biên bản triển khai yêu cầu tăng vốn điều lệ trong cuộc họp này nhưng Phan Thành Mai nắm rõ.

Bị cáo Mai được gọi lên đối chất. Tỏ ra lúng túng, song ông này cho biết: "Theo cách hiểu của bị cáo có thể xem như là ép, những gì anh Danh trình bày là đúng".

Cựu Tổng giám đốc VNCB cho rằng, trong cuộc họp, ông Danh xin chia nhỏ khoản tiền tăng vốn điều lệ thành 2-3 đợt nhưng không được đại diện Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, mà được yêu cầu "phải tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu".

Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận trong phương án tái cơ cấu VNCB có tăng vốn điều lệ. Thời điểm đó ngân hàng đang trong thời điểm rất khó khăn nên việc tăng vốn điều lệ phải theo từng giai đoạn. Do là "chương trình nội bộ" nên không có văn bản chính thức triển khai.

"Nếu không có văn bản lấy gì chứng minh những gì các bị cáo nói. Tại sao nói người ta ép?", chủ tọa chất vấn. "Về lý thì đúng như thế. Ngân hàng lúc đó rơi vào tình trạng tăng cũng chết mà không tăng cũng chết", Mai trả lời.

Tòa quay lại thẩm vấn ông Danh. Ông này tỏ ra bức xúc: "Lúc đó Ngân hàng Nhà nước nói với tôi VNCB đang bị âm vốn sở hữu số tiền rất lớn, nên phải tăng vốn điều lệ để tăng khả năng tín dụng. Tôi nói việc âm vốn là do người cũ gây ra chứ không phải tôi. Nếu không đồng ý cho tôi chia nhỏ thành nhiều đợt thì tôi trả lại ngân hàng".

Chủ tọa một lần nữa hỏi "việc làm khống hồ sơ như cáo trạng và lời khai của các bị cáo khác có đúng không?". Ông Danh thừa nhận lúc đó không báo với Ngân hàng Nhà nước về việc bị ép tăng vốn điều lệ nên mới làm khống hồ sơ vay tiền của BIDV.

"Lúc đó Tập đoàn Thiên Thanh có nhiều dự án được Chính phủ cấp phép nên tôi hy vọng sau này sẽ đưa tài sản vào thay thế. Chứ hỏi như tòa đúng hay sai thì tôi không nói nữa", giọng ông Danh nghèn nghẹn.

Chủ tọa lưu ý ông Danh bình tĩnh để giữ gìn sức khỏe, sau đó cho phép ông vào phòng lưu phạm để y tế chăm sóc.

Ông Danh bị cáo buộc cùng cấp dưới sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập, hoặc đi mượn, để lập hợp đồng vay khống tiền của các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.

Do những công ty này không hoạt động kinh doanh, ông Danh cam kết sử dụng tiền của VNCB để đảm bảo cho các khoản vay, dẫn đến thất thoát hơn 6.100 tỷ đồng.

Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng của VNCB. Nhóm bị cáo thuộc Ngân hàng BIDV gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số thiệt hại còn lại do người của TPBank giúp sức ông Danh gây ra.

Ngoài ra, trong thời gian điều hành VNCB, ông Danh và đồng phạm còn thực hiện nhiều hành vi sai phạm gây thiệt hại số tiền 9.000 tỷ đồng của nhà băng này. Vụ việc được đưa ra xét xử trong giai đoạn đầu của vụ án.

Năm ngoái ông bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù, buộc cùng người liên đới bồi thường số tiền thất thoát.

Giữa năm 2012, với tư cách là doanh nhân - người nắm giữ Tập đoàn Thiên Thanh với tiềm lực tài chính rất lớn, ông Danh được ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương) gợi ý mua lại Ngân hàng Đại Tín do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT khi đang thua lỗ nặng. Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kỳ vọng sẽ vực dậy thành nhà băng phục vụ ngành xây dựng nhưng chỉ sau hai năm số nợ đã tăng lên 38.000 tỷ đồng.

Quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, nhận thấy không đủ sức tiếp tục làm nên ông Danh đã cùng Phan Thành Mai trực tiếp mang hết hồ sơ nộp cho cơ quan điều tra, trả lại cho Ngân hàng Nhà nước. "Các cơ quan nhà nước cũng không giải quyết được thì với một tập thể chúng tôi cũng không thể làm được gì. Chúng tôi vừa nghiên cứu vừa ra văn bản kêu cứu khắp nơi", ông nói trong lần bị tòa xét xử ở giai đoạn một của vụ án, thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng.

Chuyên đề