OceanBank chi lãi ngoài để cứu hệ thống?

(BĐT) - Ngày 5/9, phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm tiếp tục diễn ra. Những nội dung thẩm vấn tại Phiên tòa xoay quanh việc chi lãi suất vượt trần trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc này được OceanBank thực hiện từ năm 2009 và triển khai rầm rộ nhất từ năm 2011.
Từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, OceanBank đã sử dụng số tiền 1.576 tỷ đồng để chi vượt trần lãi suất. Ảnh: Chi Lê
Từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, OceanBank đã sử dụng số tiền 1.576 tỷ đồng để chi vượt trần lãi suất. Ảnh: Chi Lê

Chi vượt trần lãi suất hơn 1.500 tỷ đồng

Kết quả điều tra xác minh tại Hội sở OceanBank xác định, trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã sử dụng để chi vượt trần lãi suất là 1.576 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần này cũng như phiên tòa lần 1, bị cáo Hà Văn Thắm nhiều lần khai rằng, việc chi vượt trần lãi suất là do tình thế bắt buộc. Trong bối cảnh các ngân hàng đều chạy đua tăng lãi suất huy động và sau đó là chi lãi suất vượt trần để thu hút tiền gửi, đảm bảo thanh khoản, OceanBank cũng phải tăng theo, nếu không  sẽ mất khách.

Trước tình trạng các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động, ngày 3/3/2011, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 02 quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND. Theo đó, mức lãi suất tối đa được huy động đã bao gồm mọi khoản chi khuyến mại không vượt quá 14% và nghiêm cấm mọi hình thức khuyến mại khác không đúng quy định pháp luật. Các ngân hàng buộc phải niêm yết công khai lãi suất huy động VND tại hội sở, chi nhánh...

Vì sao OceanBank vi phạm quy định này? Theo lời khai của các bị cáo nguyên là lãnh đạo, giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank, sở dĩ OceanBank triển khai chủ trương chi lãi suất ngoài trên toàn hệ thống là do áp lực từ việc chi ngoài của các ngân hàng khác.

Theo bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng, từng là Giám đốc Khối Tài chính - Kế toán, Thông tư 02 thực sự là cú phanh quá gấp, thị trường không theo kịp. Nhìn thấy khách hàng rút tiền như rút ruột gan của mình, lãnh đạo buộc phải làm như vậy.

Còn bị cáo Lê Thị Thu Thủy, nguyên Tổng giám đốc OceanBank thì cho rằng, số tiền hơn 1.500 tỷ đồng không phải là thiệt hại, nếu không có số tiền đó sẽ không thể huy động được vốn.

Tại phiên tòa lần 1, bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Khối Nguồn vốn OceanBank cũng khai rằng, hàng ngày phải chứng kiến cảnh ngân hàng khác cho xe đưa khách hàng đến rút tiền gửi ở OceanBank. Việc này diễn ra trong thời gian rất dài, 6 - 9 tháng, số dư từ 12.000 tỷ đồng nhanh chóng giảm xuống còn 5.000 tỷ đồng. Đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, việc chi lãi ngoài theo chân các ngân hàng khác là “không thể làm khác”. 

Chủ yếu chi lãi ngoài cho doanh nghiệp có vốn nhà nước

Tuy nhiên, trong phần thẩm vấn ngày 5/9, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân lưu ý các bị cáo không thể so sánh việc chi lãi ngoài ở ngân hàng này với ngân hàng khác. Việc xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền dựa trên sự phát hiện, đánh giá nhân - quả, thiệt hại. Các ngân hàng có sự khác nhau. Ở OceanBank, ngân hàng thua lỗ, NHNN phải mua lại 0 đồng để ổn định hệ thống, không gây xáo trộn thị trường nên so sánh như vậy là khập khiễng.

Chưa kể, việc sai phạm ở OceanBank xảy ra ở cả việc cho vay, thu phí với khách hàng vay vốn cũng như chi lãi vượt trần. Với việc chi lãi ngoài, OceanBank chủ yếu chi cho các tổ chức. Hầu hết các doanh nghiệp này đều là các tổ chức có vốn nhà nước. Các tổ chức này không hạch toán khoản chi lãi ngoài, mà để ngoài sổ sách kế toán, không chứng từ, biên nhận và chủ yếu chi cho các tổng giám đốc, kế toán trưởng đút túi cá nhân.

“Việc làm của các bị cáo tạo khe hở cho những người có trách nhiệm ở tổ chức kinh tế trục lợi, chứ không chỉ là chăm sóc khách hàng bình thường” – vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân khẳng định.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư.

Chuyên đề