Những kịch bản không thể ngờ của siêu lừa cõng 3 tiền án

Có lúc Đặng Chí Quyết bịa ra chuyện đi phá án ma túy nhưng bắn nhầm người, lỡ lấy ma túy tang vật để cho chị gái uống đỡ đau nhằm mượn tiền nạn nhân. Lại có lúc Quyết “nổ” là cán bộ của Bộ Công an, tự nhận mình là giám đốc doanh nghiệp hay Phó GĐ cảng hàng không có khả năng chạy việc để lừa tiền người quen.
Bị cáo Đặng Chí Quyết tại phiên tòa.
Bị cáo Đặng Chí Quyết tại phiên tòa.

Đây là lần thứ 4, Đặng Chí Quyết (SN 1989, trú thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đứng trước bục khai báo để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Người thân của Quyết ngoài người vợ (cũng là nạn nhân trong vụ việc) thì không có ai khác.

Mới học hết lớp 9, không nghề nghiệp ổn định nhưng bù lại Quyết có khả năng khua môi múa mép nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Từ năm 2009 đến 2013, Đặng Chí Quyết 3 lần bị TAND quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), TAND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) và TAND huyện Gia Lâm (Hà Nội) đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với lần lượt mức án 1 năm, 2 năm, 3 năm 4 tháng tù.

Ra tù chưa được bao lâu, Quyết lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo. Lần này, Quyết lên mạng xã hội làm quen với chị Bùi Thị L. (quê Tuyên Quang, sau này là vợ Quyết), tự giới thiệu công tác tại Bộ Công an. Quá trình tán tỉnh, hứa hẹn đủ điều, Quyết đến nhà chị này chung sống như vợ chồng.

Tháng 9/2016 , Quyết tâm sự với chị L. là vừa tham gia một chuyên án ma túy lớn nhưng bắn nhầm người dân, giờ cần 60 triệu để đền bù, tránh bị kỷ luật đuổi khỏi ngành. Tin tưởng “chồng hờ”, chị L. rút tiền đưa cho Quyết. Toàn bộ số tiền này sau đó được Quyết tiêu xài cá nhân.

Một tháng sau, Quyết lại nói với chị L. là chị gái mới sinh, bị hậu sản. Thương chị gái phải đau đớn, Quyết lén lấy ma túy tang vật để cho chị dùng nhằm giúp giảm đau. Việc này bị đơn vị phát hiện nên cần số tiền lớn để lo lót, nếu không sẽ bị kỷ luật. Tưởng thật, chị L. đưa cho Quyết 68 triệu, sau đó đưa thêm 30 triệu theo yêu cầu của người đàn ông này.

Tháng 8/2017, Quyết “nổ” mình là giám đốc một công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho các trường học, nhà hàng ở Hà Tĩnh, có mối quan hệ thân thiết với Thư ký Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, có thể xin chuyển anh Phạm Thanh D. về công tác ở trường gần nhà với giá 80 triệu đồng. Tưởng thật, anh D. nhờ Quyết giúp đỡ. Tuy nhiên, sau khi nhận của anh D. 117 triệu đồng, Quyết không thực hiện như đã hứa.

Tin tưởng vào khả năng "chém gió" của Quyết, 12 người đã bị siêu lừa này chiếm đoạt 1,4 tỉ đồng.

Nửa năm sau, Quyết quen biết với chị Lương T.N qua facebook. Quyết gửi qua tin nhắn cho chị này 1 quyết định bổ nhiệm Phó phòng phục vụ bay Cảng hàng không Vinh (cơ quan chức năng xác định là quyết định giả) để nạn nhân tin tưởng. Quyết nói hiện đang có lô hàng điện thoại vận chuyển bằng máy bay trị giá 50 triệu đồng và thuyết phục chị N. góp vốn. Sau khi lấy 17 triệu đồng tiền góp vốn của của N. rồi thông báo mình bị tai nạn, Quyết mượn thêm của nạn nhân 10 triệu. Toàn bộ số tiền này Quyết cũng dùng tiêu xài cá nhân hết.

Cũng trong thời gian này, Đặng Chí Quyết nổ mình là Phó Giám đốc Cảng hàng không Vinh, có khả năng xin việc cho người khác vào đây và chiếm đoạt của anh Nguyễn Đình T. 250 triệu đồng.

Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 7/2016 – 3/2018, bằng nhiều thủ đoạn gian dối như lừa xin việc làm, xuất khẩu lao động, mua hộ xe máy thanh lý giá rẻ…, Đặng Chí Quyết đã lừa đảo 12 người dân với tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, Đặng Chí Quyết thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng ý hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân.

HĐXX tuyên phạt Đặng Chí Quyết 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 19 năm tù.

Chuyên đề