Nhiều sai phạm tại Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3

(BĐT) - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3. 
Khởi công từ tháng 12/2012, đến thời điểm kiểm toán tháng 4/2018, Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 vẫn chưa được cấp phép xả thải vào nguồn nước. Ảnh: Thanh Trung
Khởi công từ tháng 12/2012, đến thời điểm kiểm toán tháng 4/2018, Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 vẫn chưa được cấp phép xả thải vào nguồn nước. Ảnh: Thanh Trung

Dự án này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư từ thời điểm triển khai, đến ngày 26/4/2013, EVN bàn giao cho Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO1) làm chủ đầu tư. Đây là một dự án lớn với tổng mức đầu tư (TMĐT) lên tới hơn 37.261 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư tăng gần 9.000 tỷ đồng

KTNN cho biết, ngay từ công tác lập, thẩm định phê duyệt Dự án, Chủ đầu tư (EVN) đã để xảy ra nhiều sai sót. EVN phê duyệt Dự án trong khi nguồn vốn cho Dự án chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ theo đúng quy định. Điều này vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP.

Vì vậy, khi thương thảo vay vốn nước ngoài, EVN đã không lường hết được các chi phí như lãi vay (35,399 tỷ đồng), phí bảo lãnh (111,836 tỷ đồng), phí luật sư (2,139 tỷ đồng) và một số chi phí khác để ghi nhận vào TMĐT với tổng số tiền 149,347 tỷ đồng.

TMĐT Dự án được lập, thẩm định và các phê duyệt đối với cọc móng nhà tuabin, lò hơi chưa phù hợp thiết kế cơ sở: tính sai số học, sai diện tích theo suất đầu tư, sai khối lượng công việc tại nhà tuabin - móng phát máy, lò hơi, ống khói và tính 10% cho một số công tác khác chưa tính được không đúng hướng dẫn của Thông tư số 04/2010/TT-BXD với tổng giá trị 450,657 tỷ đồng.

Đặc biệt, KTNN nhấn mạnh, TMĐT được điều chỉnh vào cuối năm 2015 là hơn 37.261 tỷ đồng, tăng hơn 8.798 tỷ đồng so với TMĐT được phê duyệt lần đầu. KTNN kết luận, nguyên nhân do thay đổi tỷ giá; bổ sung chi phí một số hạng mục thuộc gói thầu EPC do thay đổi sử dụng than nội thành than nhập ngoại; điều chỉnh chi phí hạng mục khu nhà quản lý vận hành, cập nhật các chi phí quản lý dự án, chi phí khác; cập nhật bổ sung các khoản chi phí tài chính trong công tác thu xếp vốn; chi phí nhiên liệu cho công tác chạy thử và một số chi phí khác.

Mặt khác, EVN phê duyệt đầu tư Dự án trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường, Dự án vi phạm quy định về việc đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của Dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Được khởi công từ tháng 12/2012, đến thời điểm kiểm toán tháng 4/2018, Dự án vẫn chưa được cấp phép xả thải vào nguồn nước. 

Nhiều sai phạm đấu thầu, chậm tiến độ

Chủ đầu tư phê duyệt hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu mua 450.000 tấn than (giá gói thầu 876,5 tỷ đồng) để phục vụ cho chạy thử Tổ máy số 01 là chưa tuân thủ Khoản 1, Điều 23 Luật Đấu thầu và Điều 57 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Với nguồn vốn đầu tư gồm 85% là vốn vay của Bank of China và 15% vốn đối ứng của EVN.

EVN áp dụng hình thức chỉ định thầu. Nhà thầu chính thức thực hiện gói thầu EPC là liên danh các nhà thầu Trung Quốc gồm China Chengda Engineering Co., Ltd., Dongfang Electric Corporation, Sounthwest Electric Power Design Institute - Zhejiang Electric Construction Co., Ltd..

KTNN chỉ rõ, trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo giá trị hợp đồng gói thầu EPC, chưa điều chỉnh giảm giá trị bể chứa nước thô do thay đổi dung tích từ 2x15.000 m3 xuống 2x5.000 m3, chưa điều chỉnh tăng chi phí san lấp mặt bằng 14,57 triệu USD (tương đương 275,839 tỷ đồng), bổ sung 5 triệu USD (tương đương 94,66 tỷ đồng) chi phí dự phòng không có trong TMĐT được phê duyệt làm căn cứ phê duyệt giá trị nội dung hợp đồng EPC.

Đối với các hạng mục ngoài hợp đồng EPC, KTNN cũng chỉ ra một số vi phạm: EVN không phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hạng mục Thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình; hồ sơ yêu cầu hạng mục Thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình không được lập, trình EVN thẩm định phê duyệt; nhà thầu không nộp hồ sơ đề xuất, bên mời thầu không xét duyệt, đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu.

Bên cạnh đó, việc cán bộ tư vấn giám sát thi công (Tư vấn Fichtner) xây dựng, lắp đặt thiết bị, thẩm tra và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và hỗ trợ quản lý Dự án không có chứng chỉ hành nghề thiết kế, giám sát là thực hiện chưa phù hợp quy định tại Khoản 3 Điều 87 và Khoản 4 Điều 7 Luật Xây dựng.

Mặt khác, KTNN nêu rõ, hồ sơ mời thầu Gói thầu số 01 quy định tiêu chí nhà thầu cung cấp than phải có giấy phép khai thác mỏ, giấy phép xuất khẩu than có hiệu lực 10 năm nhằm ổn định nguồn cấp than nhưng Chủ đầu tư không lường trước được việc thay đổi chính sách về thời hạn giấy phép xuống 3 năm dẫn tới công tác lựa chọn nhà thầu kéo dài, không lựa chọn được nhà thầu cung cấp than.

Ngoài ra, Chủ đầu tư phê duyệt hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu mua 450.000 tấn than (giá gói thầu 876,5 tỷ đồng) để phục vụ cho chạy thử Tổ máy số 01 là chưa tuân thủ Khoản 1, Điều 23 Luật Đấu thầu và Điều 57 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Mặt khác, công tác đấu thầu mua 900.000 tấn than thực hiện chạy thử của Gói thầu số 11 chậm 3 tháng so với quy định tại hợp đồng EPC và tiến độ chạy thử Tổ máy số 01.

Về công tác đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng của Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3,  KTNN kết luận là còn nhiều hạn chế. Thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu, đàm phán, thương thảo, ký hợp đồng EPC kéo dài quá 3 tháng so với quy định.

Về tăng chi phí dự án, KTNN đánh giá, do tiến độ lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua 900.000 tấn than phục vụ chạy thử bị chậm so với tiến độ Dự án, EVN GENCO1 phải sử dụng 272.535 tấn than giá trị 448,898 tỷ đồng từ hợp đồng mua 450.000 tấn than của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải để phục vụ chạy thử Nhà máy, làm tăng chi phí đầu tư của Dự án lên hơn 31 tỷ đồng.

Chuyên đề