Nhiều khoảng trống pháp lý trong kiểm soát quyền lực

(BĐT) - Hệ thống kiểm soát quyền lực tại các cơ quan nhà nước chưa đủ sức bịt các kẽ hở lạm dụng quyền lực để tham nhũng. Từ góc độ cơ quan kiểm toán tài chính công và tài sản công, 
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc góp phần hạn chế một bước việc lợi dụng quyền lực dẫn đến tiêu cực. Ảnh: Huy Khâm
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc góp phần hạn chế một bước việc lợi dụng quyền lực dẫn đến tiêu cực. Ảnh: Huy Khâm

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ một số cách thức đã được nhiều cá nhân thực hiện để lách quy định, phục vụ mục đích riêng và làm thất thoát tài sản nhà nước.

Đúng quy trình vẫn không thể ngăn chặn

Ông Đặng Thế Vinh - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng: “Thực chất tham nhũng là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực. Không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra. Tha hóa quyền lực là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng tồn tại, phát triển”.

Với kinh nghiệm kiểm toán tài chính công, tài sản công, KTNN đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của tình trạng có kiểm soát nhưng không chặn được tham nhũng.

Về nhân sự, cơ chế kiểm soát, hệ thống kiểm soát việc sử dụng quyền lực đối với người đứng đầu, người được quyền quyết định của đơn vị chưa hữu hiệu để phát hiện và ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Điều này xảy ra ở cả những lĩnh vực pháp luật đã quy định chặt chẽ các thủ tục quản lý và các ngành, các đơn vị đã ban hành đầy đủ quy trình, tiêu chí làm căn cứ ban hành quyết định, xử lý công việc.

Chẳng hạn, tình trạng “xin - cho”, “chạy” trong giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thay đổi cơ cấu sử dụng đất khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, đô thị; “xin - cho” trong giao dự toán, bổ sung dự toán kinh phí ngoài dự toán đầu năm, bố trí vốn cho các dự án xây dựng cơ bản…

Đáng chú ý, KTNN nêu rõ: “Các đơn vị tổ chức thực hiện và hồ sơ đảm bảo đúng quy định, quy trình và thủ tục. Tuy nhiên, đằng sau vẫn có thể có sự can thiệp vì lợi ích cá nhân mà bình thường hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm soát từ các cơ quan bên ngoài khó phát hiện để ngăn chặn ngay từ đầu, khó thu thập bằng chứng để xử lý khi có dư luận, có đơn thư tố cáo”.

Bên cạnh đó còn xảy ra việc thông đồng, thỏa hiệp giữa các cấp quản lý trong một đơn vị, một địa phương để loại bỏ hệ thống kiểm soát, làm cho hệ thống kiểm soát mất hiệu lực, từ đó có những quyết định theo mục đích riêng.

Chẳng hạn, pháp luật quy định là phải tổ chức đấu giá khi giao đất, cho thuê đất góp phần ngăn chặn việc sử dụng quyền lực trong giao đất, cho thuê đất vào mục đích vụ lợi, tham nhũng. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp từ cấp tham mưu đến cấp quyết định có thể dẫn đến việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Bình luận về những thủ đoạn tham nhũng như trên, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan thuộc Học viện Tài chính nhấn mạnh: “Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc về cơ chế, có nguyên nhân thuộc về việc cụ thể hóa cơ chế đó thành pháp luật, và có nguyên nhân về tổ chức thực hiện. Đáng chú ý là cơ chế kiểm soát quyền lực còn có khá nhiều khoảng trống  pháp lý. Trong khi đó, công tác tổ chức kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng còn chưa được thực hiện nghiêm minh. 

Khó nhưng vẫn phải làm

Từ việc nhận dạng những hạn chế nêu trên, KTNN đề xuất một số giải pháp để tăng cường hiệu quả cơ chế và các hoạt động kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị, công chức nhằm phòng chống tham nhũng.

Theo đó, các quy định pháp luật (luật, nghị định, thông tư) cần được cụ thể hóa, rõ ràng, dễ hiễu, đồng bộ để giảm dần việc giao quyền quyết định cho người thực thi, áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ thông tin, các cơ quan nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc, giảm thiểu tiếp xúc giữa người dân, tổ chức kinh doanh với công chức có thẩm quyền. Theo KTNN, mặc dù điều này chưa thể ngăn chặn triệt để vụ lợi, tham nhũng do có thể có những đường dây, “cò” làm môi giới, nhưng cũng góp phần hạn chế một bước việc sử dụng, lợi dụng quyền lực dẫn đến tiêu cực.

Đồng thời, cần thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; luân chuyển định kỳ đối với các vị trí dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; chú trọng kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức đảm nhiệm các vị trí có khả năng sử dụng quyền lực cho mục đích cá nhân.

Cần xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng quyền lực không minh bạch, vì quyền lợi cá nhân, dù lớn hay nhỏ để tạo kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, đảm bảo có tác dụng răn đe; từng bước hình thành ý thức tự giác trong rèn luyện đạo đức, phẩm chất cán bộ, công chức nhà nước.

“Kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta sẽ không thể đạt hiệu quả”, ông Đặng Thế Vinh nhấn mạnh.

Chuyên đề