Nhiều DN giấu thông tin tai nạn lao động

(BĐT) - Với mục tiêu giảm tai nạn lao động (TNLĐ) ngành xây dựng trong năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang phối hợp triển khai chiến dịch thanh tra, kiểm tra lao động ngành xây dựng. Báo Đấu thầu phỏng vấn Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng xung quanh việc triển khai chiến dịch này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông đánh giá như thế nào về việc đảm bảo an toàn lao động của các chủ đầu tư, nhà thầu tại các công trình xây dựng hiện nay?

Việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng hiện nay rất kém, nếu không kịp thời chấn chỉnh, tình trạng TNLĐ vẫn còn tái diễn nhiều.

Thực tế cho thấy, chỉ có một số công trình trọng điểm quốc gia được nhiều bên giám sát thi công thì việc chấp hành công tác an toàn lao động tại công trường tương đối tốt. Các công trình tầm trung và vừa ở các địa phương, công trình có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài, công trình có sự “chạy đua” với thời gian (do chậm trong giải phóng mặt bằng nên phải đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp tiến độ; do cơ quan quản lý muốn hoàn thiện sớm để khánh thành nhân dịp kỷ niệm một ngày lễ gì đó là người lao động phải làm ngày làm đêm) thì việc đảm bảo an toàn lao động rất kém.

Tổng hợp báo cáo TNLĐ hàng năm của Bộ LĐTB&XH trong giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, lĩnh vực xây dựng luôn xếp ở vị trí dẫn đầu trong số những lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ và đứng đầu trong các lĩnh vực có số người chết do TNLĐ.

Riêng năm 2015, ngành xây dựng chiếm tới 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì cũng trong năm qua, đã có khoảng 7.500 vụ TNLĐ trong ngành xây dựng. Thực tế còn nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng vẫn chưa báo cáo và còn “giấu” thông tin về các vụ TNLĐ đã xảy ra.

Nhiều DN giấu thông tin tai nạn lao động ảnh 1
Ông Nguyễn Tiến Tùng
Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng năm 2016 được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chiến dịch hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật lao động cho người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội; thay đổi hành vi của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp xây dựng…

Do đó, chỉ tiêu của Chiến dịch đặt ra là phải thanh tra trực tiếp ít nhất 630 công trình xây dựng. Chiến dịch đã được chính thức phát động vào tháng 3/2016. Hiện, các địa phương đã có báo cáo nhanh về Bộ LĐTB&XH với kế hoạch thanh tra lên tới hàng nghìn công trình. Đơn cử, Thanh tra TP.HCM phấn đấu thanh tra khoảng 200 công trình xây dựng trở lên. 

Khi thanh tra theo Chiến dịch, có ý kiến cho rằng các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ có những “đối phó” khi đoàn thanh tra đến, xong thì “đâu lại vào đó”. Vậy việc đảm bảo ATLĐ thường xuyên trên công trường sẽ được thực hiện như thế nào?

Đúng là thực tế đáng chú ý nhất hiện nay là các chủ đầu tư, nhà thầu khi nghe tin có đoàn thanh tra đến thì đối tượng được thanh tra sẽ làm theo kiểu “chống chế”, khắc phục tạm thời sai sót, khi thanh tra rút đi thì “đâu lại vào đó”.

Nhưng chiến dịch lần này có sự tham gia của 3 bên: Bộ LĐTB&XH – Tổng LĐLĐVN – VCCI.  Tổng LĐLĐVN sẽ phải chỉ đạo công đoàn cơ sở thực hiện giám sát các hành vi của người sử dụng lao động và người lao động sau khi Kết luận và kiến nghị của Thanh tra được ban hành. Với vai trò của VCCI, họ sẽ phải yêu cầu DN sử dụng lao động thực hiện nghiêm các sai sót đã khuyến cáo.

Đó là kỳ vọng của đơn vị thực hiện. Song, theo cơ chế hiện tại, đại diện công đoàn ăn lương của chủ sử dụng lao động thì việc thực hiện giám sát theo đúng nghĩa còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

Có thể chủ đầu tư, nhà thầu sẽ không thực hiện tất cả các khuyến cáo nhưng tình trạng chống chế khi đoàn thanh tra đến sẽ giảm đi.

Hiện trong lĩnh vực đấu thầu, có quan ngại rằng một số nhà thầu nước ngoài bỏ thầu với giá thấp để trúng thầu, sau đó có thể “cắt giảm” chi phí bằng cách không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn lao động cho người lao động tại các dự án, công trình đó. Chiến dịch này có quan tâm đến những công trình có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài?

Các công trình, dự án được thanh tra trong Chiến dịch lần này là do các địa phương, Thanh tra Bộ lựa chọn dựa trên các tiêu chí công trình quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, chứ chưa có những trọng tâm liên quan đến yếu tố nhà thầu nước ngoài.

Một môi trường kinh doanh bình đẳng là có sự đối xử bình đẳng với các DN, bất kể DN trong hay ngoài nước. Chiến dịch lần này chúng tôi không xoáy quá sâu vào các dự án, công trình mà các nhà thầu nước ngoài đang thực hiện, mà chỉ lựa chọn các công trình, dự án theo tiêu chí ảnh hưởng tới dân cư, cộng đồng, có nguy cơ mất ATLĐ cao.

Chuyên đề