Nhiều điểm mới trong Nghị quyết 19

(BĐT) - Dự thảo Nghị quyết 19/2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng này. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nghị quyết sẽ có rất nhiều nội dung mới nhằm tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Những kết quả tích cực

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19 (NQ19 năm 2014, 2015 và 2016), môi trường kinh doanh Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Trong năm đầu thực hiện Nghị quyết, chỉ có 5 bộ, cơ quan, địa phương (Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và TP.HCM) chủ động thực hiện. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương khác chưa quan tâm, thậm chí thờ ơ với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết; không ban hành hoặc kế hoạch hành động chưa bám sát các chỉ tiêu, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, không có lộ trình thời gian cũng như cách thức triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đến NQ19/2016/NQ-CP thì nhiều bộ, ngành đã nhận thức khá đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết. Đơn cử như trước đây Bộ Công Thương là một đơn vị khá thờ ơ, thậm chí đối phó thực hiện Nghị quyết thì đến nay đã nhập cuộc. Tính riêng trong năm 2016, Bộ này đã bãi bỏ hàng chục điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp (DN).

Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới đạt con số kỷ lục với 110.100 DN. Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016 ghi nhận, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của Bảng xếp hạng). Đây là mức cải thiện thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay với nhiều chỉ số có sự thăng hạng cao như: chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng 31 bậc (từ 118 lên 87); giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc (từ 108 lên 93)…

Mặc dù đã có cải thiện đáng kể, nhưng theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt được mức trung bình của các nước ASEAN 4, thậm chí là mức trung bình của ASEAN 6. Theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì thứ hạng của Việt Nam giảm 4 bậc so với năm ngoái (từ vị trí 56 xuống thứ 60), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (sau 6 nước), chỉ đứng trên Lào và Campuchia. Đặc biệt, theo Báo cáo về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam giảm 7 bậc so với năm 2015 (từ thứ 52/141 xuống 59/128 quốc gia, với số điểm chỉ đạt 38,3/100 điểm), thấp hơn nhiều nước ASEAN.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhưng năng lực cạnh tranh lại đi xuống. Điều đó chứng tỏ môi trường kinh doanh chỉ là một yếu tố của năng lực cạnh tranh và nếu chúng ta không thay đổi, không cải cách các nội dung khác thì năng lực cạnh tranh sẽ không được cải thiện. 

Gia tăng trách nhiệm chung

Dự thảo NQ19/2017/NQ-CP có 3 phần chính, gồm: đánh giá tình hình; mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương. Mục tiêu của NQ là hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới).
Bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, Dự thảo NQ19/2017/NQ-CP có nhiều điểm mới so với NQ19 của 3 năm trước. Nếu như NQ19 các năm trước tập trung vào các chỉ số tiếp cận của WB, thì NQ19 năm nay lại mở rộng các chỉ số khác theo đánh giá của WIPO, Liên hợp quốc.

Vị chuyên gia này cho hay, trên cơ sở của các yếu tố thành phần mở rộng thì NQ19/2017 sẽ có khoảng 250 chỉ tiêu cụ thể nhằm tạo cú hích nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cũng theo bà Thảo, thời gian qua nhiều chính sách ở cấp trung ương của Việt Nam đã thay đổi tốt theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên các địa phương lại có sự chuyển động rất chậm. Vì thế mà giữa chính sách và thực thi thực tế có khoảng cách khá lớn. Do đó, Dự thảo NQ19/2017 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp triển khai nội dung với một cơ chế rất rõ ràng từ việc giám sát đánh giá tình hình thực hiện và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ yêu cầu các địa phương tham gia một cách chủ động, tích cực theo hướng tìm ra giải pháp thực hiện cải cách, chứ không phải thụ động thực hiện chỉ đạo từ bên trên hoặc theo những quy định.

Đối với những chỉ số giảm bậc vừa qua, Dự thảo NQ cũng quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành liên quan để theo dõi, thực hiện với quan điểm mỗi chỉ số không chỉ liên quan đến một bộ, ngành mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành liên quan. Đơn cử như chỉ số về khởi sự kinh doanh không chỉ liên quan đến Bộ KH&ĐT và các Sở KH&ĐT mà còn liên quan tới các bộ, ngành khác như: Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…     

Chuyên đề