Nhiều điểm mới tại Dự thảo Luật Du lịch

(BĐT) - Sau 10 năm thực hiện, đến nay Luật Du lịch đã bộc lộ một số vướng mắc, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế như các quy định liên quan đến chính sách về ưu đãi đầu tư, điều kiện kinh doanh lữ hành...
Quy định về công nhận khu du lịch, điểm du lịch sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh: Tiên Giang
Quy định về công nhận khu du lịch, điểm du lịch sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh: Tiên Giang

Cụ thể, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Luật Du lịch 2005 quy định xếp hạng, công nhận khu du lịch, điểm du lịch ở cấp quốc gia, cấp địa phương và quy định điều kiện để công nhận các khu du lịch và điểm du lịch. Đồng thời chia thành hai cấp cơ quan có thẩm quyền công nhận là Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Việc quy định như vậy đang đặt ra một số tồn tại, vướng mắc trên thực tế là không xác định khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được định danh trước hay đến khi được công nhận mới được gọi là khu du lịch, điểm du lịch theo từng cấp độ được quy định tại Luật. Khu du lịch được hưởng các ưu đãi về đầu tư như thuế đất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, thuế doanh nghiệp... Nhưng theo quy định mới tại Luật Đầu tư thì du lịch không còn được coi là ngành, nghề được hưởng ưu đãi nữa. Đồng thời, quy định công nhận theo hai cấp quốc gia và địa phương nhưng không có tiêu chuẩn quốc gia để thẩm định, đánh giá.

Để khắc phục những tồn tại này, định hướng sửa đổi của Dự thảo Luật hướng đến thay đổi toàn bộ quy định về thẩm quyền công nhận, cách thức công nhận, và xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở đánh giá, thẩm định và xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch.

Về điều kiện kinh doanh lữ hành, Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết đối với kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng lại quy định đơn giản đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Việc này đã tạo ra sự không đồng bộ với hệ thống pháp luật và ngay chính bản thân các quy định của Luật Du lịch 2005; sự không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Trên thực tế không thể quản lý được các doanh nghiệp này, thậm chí kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không thống nhất với pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp. Do đó, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư...

Ngoài ra, tại Dự thảo lần này, Bộ VHTT&DL đề xuất quy định về điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL ban hành tiêu chuẩn và xếp hạng chất lượng dịch vụ vận tải khách du lịch. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định điểm dừng, đỗ thuận lợi cho các phương tiện vận tải khách du lịch…

Chuyên đề