Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình kêu oan

Trong quá trình điều tra, bị can Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) không thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình. Ông chỉ thừa nhận mình ký văn bản chấp thuận chủ trương cho nhóm cổ đông mới tham gia tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín trên cơ sở thông báo của Văn phòng Chính phủ.
Ông Đặng Thanh Bình không thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.
Ông Đặng Thanh Bình không thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.

Theo dự kiến, vào ngày 25 – 29/6, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử ông Đặng Thanh Bình và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Hiện nay đã có 5 luật sư bào chữa cho Đặng Thanh Bình gồm luật sư Phạm Văn Đàm, Lê Thị Minh Nhân, Nguyễn Xuân Bính, Vũ Lai Bằng. Qua trao đổi ban đầu, có luật sư cho rằng hành vi ông Bình bị cáo buộc là không rõ, chứng cứ chưa thuyết phục...

Theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.

Tháng 8/2012, ông Bình đã ký tờ trình gửi Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương. Theo đó, xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này. Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.

Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt, mọi giao dịch trên 5 tỉ đồng phải có sự đồng ý của tổ giám sát.

Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.

Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, bị can Đặng Thanh Bình không thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình. Ông Bình chỉ thừa nhận việc ký văn bản chấp thuận chủ trương cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện) tham gia tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín trên cơ sở thông báo của Văn phòng chính phủ và tờ trình của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN.

Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ, cơ quan điều tra xác định Đặng Thanh Bình đã có hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ; không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín do NHNN trình Thủ tướng Chính phủ; Không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng tài chính của nhóm Thiên Thanh...

Chuyên đề