Người dân tin tham nhũng đang giảm

(BĐT) - Một trong những điểm đáng ghi nhận của công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 là tỷ lệ người dân phải hối lộ khi sử dụng dịch vụ công giảm xuống rõ rệt so với 3 lần khảo sát trước đó (năm 2010, 2013 và 2016).

Tỷ lệ tiếp xúc và trải nghiệm tham nhũng trong 7 lĩnh vực dịch vụ công được khảo sát trong 12 tháng qua. Ảnh: Trần Nam
Tỷ lệ tiếp xúc và trải nghiệm tham nhũng trong 7 lĩnh vực dịch vụ công được khảo sát trong 12 tháng qua. Ảnh: Trần Nam

Kết quả này vừa được Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia tại Việt Nam của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố tại Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng tại Việt Nam (VCB-2019).

Phòng chống tham nhũng có chuyển biến tích cực

Báo cáo này được thực hiện dựa theo phương pháp luận của TI đã được kiểm nghiệm, vận dụng tại 150 quốc gia trên thế giới và kết quả khảo sát trực tiếp với 1.085 người dân tại 19 tỉnh, thành tại Việt Nam trong năm 2019.

Theo Báo cáo, người dân Việt Nam ngày càng tin rằng tham nhũng đang giảm dần và các nỗ lực PCTN của Đảng và Nhà nước là có hiệu quả hơn. Đây là những tín hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam.

Về xây dựng pháp luật, năm 2019 là năm Luật PCTN bắt đầu có hiệu lực thi hành. Bên cạnh việc cải tổ, hoàn thiện khung khổ pháp luật về PCTN, người dân nhận thấy, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều biện pháp cụ thể để PCTN, tiêu biểu là các vụ án tham nhũng lớn được dư luận quan tâm đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo quyết liệt để điều tra, xét xử.

Nhờ có những nỗ lực này, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc TT cho biết, cứ 2 người dân được khảo sát năm 2019, thì có 1 người cho rằng các hoạt động PCTN có hiệu quả, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ này năm 2016. Số lượng người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc PCTN cũng tăng lên đáng kể sau 3 năm (71% năm 2019 so với 55% năm 2016).

Nâng cao liêm chính và xử phạt nghiêm khắc đối tượng tham nhũng

Tuy vậy, theo báo cáo trên, người dân vẫn cho rằng, tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực của các bên nhằm giảm tham nhũng và đảm bảo phát triển bền vững.

Báo cáo cho thấy, năm 2019, tham nhũng đứng vị trí thứ tư trong số những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, so với vị trí thứ bảy năm 2016. Mặc dù cho biết sẵn sàng tố cáo tham nhũng, nhưng người dân hiếm khi làm vậy trên thực tế. 49% số người được khảo sát cho rằng việc tố cáo không có tác dụng và lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo.

Qua những kết quả khảo sát, nghiên cứu, Báo cáo khuyến nghị Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan cần tăng cường phòng ngừa và chống tham nhũng. Trong đó, 2 khuyến nghị được người dân nêu ra nhiều nhất là nâng cao tính liêm chính của các cán bộ, công chức nhà nước và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng tham nhũng. Người dân và doanh nghiệp cần thúc đẩy và thực hành liêm chính, minh bạch trong kinh doanh nhằm tạo lợi thế kinh doanh; kiên quyết chấm dứt việc đưa và từ chối đưa hối lộ.

“Người dân Việt Nam tin rằng họ có thể tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng. Vì vậy, Đảng và Nhà nước, ở tất cả các cấp, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, cũng như hướng dẫn phương thức và cơ chế cụ thể để người dân tham gia PCTN. Điểm quan trọng nữa là cần đảm bảo rằng những người đấu tranh chống tham nhũng sẽ không phải gánh chịu hậu quả tiêu cực”, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn nhấn mạnh.

Đánh giá cao những ghi nhận của Báo cáo VCB-2019, ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục PCTN thuộc Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ làm nảy sinh tham nhũng và những khâu, những lĩnh vực quản lý còn bị buông lỏng dẫn đến lợi dụng để tham nhũng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2019, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 220 vụ, 515 bị can (giảm 0,9% số vụ, tăng 20,6% số bị can so với cùng kỳ năm trước). Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý là trên 7.503,5 tỷ đồng, 22.069 m2  đất; đã thu hồi, phong tỏa được trên 9.455,2 tỷ đồng, 11.867 m2 đất và nhiều tài sản khác. Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 300 vụ/672 bị can. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố mới 12 vụ với 16 bị can về tội danh tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 279 vụ, 614 bị cáo, có 10 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân. 

Chuyên đề