Ngân hàng Đông Á: Nhiều vi phạm, thua lỗ khủng

(BĐT) - Cơ quan công tố cáo buộc 26 bị can đã có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến khoản thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Đây cũng là nguyên nhân chính khiến DAB lỗ lũy kế, vốn chủ sở hữu âm tại thời điểm kết thúc năm 2015.
Khoản thiệt hại 3.600 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng TMCP Đông Á bị lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu
Khoản thiệt hại 3.600 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng TMCP Đông Á bị lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu

Bản cáo trạng số 134/Ctr-VSKTC-V3 truy tố bị can Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á cùng các đồng phạm theo 3 tội danh: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, bị can Trần Phương Bình lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật chiếm đoạt hơn 2.057 tỷ đồng của DAB.

Cụ thể, từ năm 2007 - 2014, Trần Phương Bình đã nhiều lần mua cổ phần của DAB rồi sau đó chỉ đạo cấp dưới lập khống chứng từ thu, xuất quỹ khống để bù âm quỹ.

Đơn cử, năm 2008, Công ty CP Quản lý quỹ Lộc Việt muốn bán lại 5.750.000 cổ phần của DAB với tổng giá trị hơn 327 tỷ đồng. Để có tiền mua cổ phần, bị can Trần Phương Bình chỉ đạo thu khống hơn 30 tỷ đồng, sử dụng 121 tỷ đồng tiền bán chung cư khối D thuộc Dự án Richland Hill, cho vay qua Công ty Ninh Thịnh, Công ty Sao Việt Nam để lấy tiền trả cho Công ty CP Quản lý quỹ Lộc Việt. Số tiền DAB bị chiếm đoạt là 234 tỷ đồng.

Năm 2010, DAB tăng vốn, Trần Phương Bình cần thanh toán tiền mua 16 triệu cổ phần nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu. Bị can Bình nhờ người đứng tên để vay 100 tỷ đồng từ DAB. Để trả khoản nợ này, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận (Phó Giám đốc DAB - Sở giao dịch), Thuận lại chỉ đạo cấp dưới lập khống nhiều chứng từ thu khống 122,7 tỷ đồng.

Có 9 lần bị can Bình mua cổ phần, tổng số cổ phần đã mua là 74.279.056 cổ phần. Số tiền chiếm đoạt qua việc mua cổ phần là 1.160 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2013, DAB có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Do quen biết từ trước, Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 đã bàn bạc và thống nhất: Phan Văn Anh Vũ mua 60.000.000 cổ phần của DAB với giá 600 tỷ đồng.

Phan Văn Anh Vũ đã thế chấp 220 lô đất tại TP. Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Phan Văn Anh Vũ. Phan Văn Anh Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ đồng.

Việc tăng vốn không thành công, Trần Phương Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi của 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79. Như vậy, Phan Văn Anh Vũ đã chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của DAB.

Với hành vi cố ý làm trái, bị can Trần Phương Bình và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho DAB số tiền 1.551 tỷ đồng. Trong đó, chi lãi ngoài gây thiệt hại 467 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối gây thiệt hại 384 tỷ đồng, kinh doanh vàng tài khoản gây thiệt hại 611 tỷ đồng.

Bị can Trần Phương Bình còn chỉ đạo tất toán khống khoản vay 1.900 lượng vàng của Nguyễn Hồng Ánh (một cán bộ cảnh sát thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh). Nguyễn Hồng Ánh chỉ nộp 32,5 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm nhưng được bị can Bình chỉ đạo cho tất toán toàn bộ khoản vay 1.900 lượng vàng bằng phiếu khu khống.

Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, cơ quan tố tụng cho rằng, cả 3 thành viên Ban Kiểm soát DAB đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ để bị can Trần Phương Bình và các đồng phạm thực hiện hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 1.551 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thị Cúc, nguyên Trưởng ban Kiểm soát DAB, thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo các thành viên Ban Kiểm soát kiểm tra các báo cáo tài chính, các hoạt động hạch toán, tài chính và kho quỹ trong thời gian dài.

Hai thành viên Ban Kiểm soát là Nguyễn Vinh Sơn và Phan Thị Tố Loan không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra các báo cáo tài chính, các hoạt động hạch toán, tài chính, kho quỹ.

Được biết, Ngân hàng TMCP Đông Á thành lập năm 1992, hiện có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng. Năm 2015, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra và kết luận nhiều sai phạm. Trong tổng dư nợ hơn 20.000 tỷ đồng tại Ngân hàng thì có tới hơn 19.000 tỷ đồng dư nợ tập trung vào 9 nhóm khách hàng thuộc diện khó thu hồi và mất vốn.

Tháng 8/2015, DAB được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Tháng 9/2015, hồ sơ được chuyển sang cơ quan công an để điều tra làm rõ. Tháng 4/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra và sau đó điều tra bổ sung 2 lần. Tháng 10/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng.

Chuyên đề