Minh bạch tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa

(BĐT) - Tại cuộc họp của Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí xác định DNNVV là một trong những “chìa khóa” để công tác hỗ trợ DN thành công, tránh tình trạng hỗ trợ nhầm đối tượng.
DNNVV cần được phân loại cụ thể theo quy mô và ngành nghề kinh doanh để làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách. Ảnh: Lê Tiên
DNNVV cần được phân loại cụ thể theo quy mô và ngành nghề kinh doanh để làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách. Ảnh: Lê Tiên

Để giảm gánh nặng thủ tục, DN sẽ tự kê khai, tự xác định quy mô để được hưởng mức hỗ trợ tương ứng.

Tiêu chí rõ ràng

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV là 1 trong 4 nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Bà Nguyễn Việt Huệ thuộc Cục Phát triển DN, thành viên Ban soạn thảo Nghị định cho biết, kết cấu Nghị định gồm 4 chương, 28 điều bao gồm: tiêu chí xác định DNNVV; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Để cụ thể hóa các tiêu chí quy định tại Điều 4 của Luật (tiêu chí xác định DNNVV), Dự thảo Nghị định quy định chi tiết 3 loại hình DN ở các quy mô: siêu nhỏ, nhỏ, vừa tương ứng với 3 khu vực ngành kinh tế là nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ. DNNVV được chia thành 3 cấp trong ngành kinh tế cấp I của Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Lý giải cho đề xuất này, bà Huệ cho biết, thực tế hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV cho thấy, DNNVV cần được phân loại cụ thể hơn theo quy mô và ngành nghề kinh doanh làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, chương trình trợ giúp với đặc điểm của từng đối tượng DN trong từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, do tính chất ngành, nghề kinh doanh yêu cầu lao động, vốn và doanh thu đối với ngành, nghề kinh doanh là khác nhau nên việc phân loại các giới hạn tiêu chí đối với từng ngành, nghề nhằm xác định đúng đối tượng để thiết kế chính sách phù hợp.

Về căn cứ xác định DNNVV, theo bà Huệ, hiện Dự thảo Nghị định dựa trên 4 tiêu chí là: ngành kinh tế, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tổng nguồn vốn và tổng doanh thu. 

Minh bạch trong kê khai

Một trong những mục tiêu thực thi hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV là tránh cơ chế xin - cho, phát sinh thủ tục hành chính, gây nên gánh nặng cho DNNVV. Do đó, Dự thảo Nghị định có những quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho DN. Cụ thể, về xác định DNNVV, cơ quan soạn thảo đang thiết kế theo hướng DN tự kê khai, tự xác định quy mô DNNVV để đăng ký, nộp cho cơ quan quản lý nhà nước để được hưởng mức hỗ trợ tương ứng. Cơ quan thực hiện hỗ trợ chỉ xác minh việc kê khai của DNNVV nếu có nhu cầu. “Quy định này nhằm giảm thiểu chi phí hành chính cho DNNVV khi không phải trực tiếp đi xin xác nhận như theo thông lệ phổ biến”, bà Huệ khẳng định.

 Đánh giá cao đề xuất mà Ban soạn thảo đưa ra, bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM bày tỏ, việc DN tự kê khai năng lực của mình để có thể nhận được hỗ trợ là rất minh bạch, song DN cũng cần cung cấp các tài liệu để chứng minh về lao động, doanh thu để tránh việc hỗ trợ nhầm đối tượng.

Nhằm mục tiêu minh bạch hóa trong các hoạt động hỗ trợ DNNVV, Dự thảo Nghị định cũng quy định các cơ quan bộ/ngành, UBND cấp tỉnh và các tổ chức xã hội nghề nghiệp ngoài việc cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV theo quy định trên trang thông tin điện tử của mình, phải đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử quốc gia hỗ trợ DNNVV.

Chuyên đề