Luật sư vụ án Đinh La Thăng 'đòi' công tố viên tranh luận đến cùng

Nói thất vọng vì phần luận tội sơ sài, luật sư muốn được đối đáp "chất lượng" với VKS trên nguyên tắc suy đoán vô tội.
Cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN
Cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN

Chiều 12/1, bào chữa cho cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực (bị VKS đề nghị 12-13 năm tù), luật sư Đinh Anh Tuấn cho hay ở phiên tòa này điều mong chờ là chất lượng đối đáp với cơ quan công tố theo tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hôm qua ông "thất vọng" vì phần luận tội của VKS sơ sài.

Luật sư Tuấn cho rằng việc VKS nhận định ông Thực không thành khẩn khai báo là chưa chính xác. Ông Thực đưa ra phương án "cần có liên doanh tổng thầu" chứ không phải cùng với ông Đinh La Thăng chỉ định thầu với PVC như VKS cáo buộc. Ông Thực cũng không thúc ép việc ký hợp đồng EPC 33 chỉ để cho kịp tiến độ khởi công dự án.

Luật sư Tuấn bày tỏ mong muốn được các công tố viên tranh luận "đến cùng" trên cơ sở các quy định về tranh tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội. "Chúng tôi hoàn toàn không có ý hơn thua mà chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ", ông Tuấn nói.

Bị cáo đáng được tuyên dương

Là người bào chữa cho hai bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) và Trần Văn Nguyên (nguyên kế toán trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2), luật sư Chu Thị Trang Vân đề nghị áp dụng điều 25 Bộ luật Hình sự 1999 miễn trừ trách nhiệm hình sự cho thân chủ.

"Các bị cáo đã có hành động tích cực ngăn chặn hậu quả phạm tội, đáng được tuyên dương, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật", luật sư giải thích.

Cả hai thân chủ của bà Vân cùng được VKSND Tối cao đề nghị mức án 2-3 năm tù treo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Ông Chương bị cáo buộc trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định, việc lãnh đạo PVN chỉ đạo Ban quản lý dự án tạm ứng cho PVC là trái quy định nhưng vẫn lập các thủ tục chi tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC. Khi có tiền, cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115 tỷ đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119 tỷ đồng.

Tiếp tục bảo vệ cho bị cáo Chương, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng ông Chương tạm ứng tiền là theo chỉ đạo nhưng sau đó đã cố gắng để tránh mức thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra. Ông Chương cũng quyết liệt đề nghị xem xét lại việc tạm ứng, thanh lý hợp đồng.

Nói rằng những điều trên đã được thể hiện rõ trong hồ sơ, luật sư Truyền đánh giá hành vi của ông Chương không phạm tội cố ý làm trái và từ ngày 1/1 theo Bộ luật Hình sự 2015 đã không còn tội này. "Như vậy, hành vi của ông Chương không còn, không thuộc nhóm hành vi nguy hiểm cho xã hội, đề nghị áp dụng theo Bộ luật Hình sự 2015 để miễn hình phạt", luật sư nói.

Luật sư: Cơ quan điều tra không truy đến cùng ai nhận quà biếu

Luật sư Nguyễn Hồng Bách bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC, bị VKS đề nghị mức án 18-19 năm) cho hay về hai tỷ đồng nhận từ Ban điều hành dự án Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch, thân chủ của ông "không chối cãi". Nhưng nếu buộc tội ông Minh tham ô để chi tiêu cá nhân thì "không thuyết phục"

Luật sư Bách đề xuất xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh nhận khoản tiền này, bởi cho rằng ông Minh dùng để chi cho lễ khởi công Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1. Theo ông Bách, chuyện chi đối ngoại, lễ tết chúc tết tuy không có quỹ chính thức dành cho đối ngoại nhưng chắc chắn có chuyện biếu quà. Vì ngay đến tận bây giờ Chính phủ hàng năm vẫn có yêu cầu "không biếu quà tết".

"Vì vậy ở thời điểm đó, chắc chắn ông Minh phải biếu quà ‘mà biếu quà chẳng nhẽ lại có ký nhận?", luật sư nói và cho rằng cơ quan điều tra đã không truy đến cùng nguồn tiền và việc chi tiêu.

Chuyên đề