Luật Cạnh tranh sẽ cấm thông thầu

(BĐT) - Sau hơn 12 năm thi hành, nhiều hạn chế, bất cập trong nội dung, quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong đó, việc quy định cấm mặc nhiên đối với hành vi thông đồng trong đấu thầu là một trong những thay đổi quan trọng, giúp điều chỉnh cách tiếp cận kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh.

Công cụ điều tiết nền kinh tế

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, các quốc gia trên thế giới xác định pháp luật cạnh tranh là công cụ hữu hiệu để nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường hoặc những tác động bất lợi của quá trình tự do hóa kinh doanh và thương mại. Việc sử dụng hiệu quả công cụ chính sách cạnh tranh mà chủ yếu là thông qua thực thi pháp luật cạnh tranh có tác dụng tương hỗ cho các chính sách khác, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Do đó, so với Luật Cạnh tranh năm 2004, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.

Cụ thể, Dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng như: mở rộng phạm vi điều chỉnh, mở rộng đối tượng áp dụng, thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, thay đổi cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế, điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh.

Trong đó, đáng chú ý, Dự thảo Luật đã điều chỉnh cách tiếp cận kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, phù hợp với thực tiễn cạnh tranh trên thị trường và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi.

Không tiếp cận kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như hiện nay, mà kiểm soát hành vi trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi. Mở rộng phạm vi các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị kiểm soát, bao gồm cả các thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang và chiều dọc.

Quy định cấm mặc nhiên đối với những hành vi thoả thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi thoả thuận ấn định giá, phân chia thị trường, kiểm soát sản lượng và thông đồng trong đấu thầu. Quy định chương trình khoan hồng nhằm tăng cường khả năng phát hiện, điều tra các thoả thuận hạn chế cạnh tranh hiện có xu hướng “ngầm hoá”. 

Quy định rõ ngành, lĩnh vực đặc thù được miễn trừ

Thẩm tra Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật như Dự thảo là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan Cạnh tranh Việt Nam hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tán thành mở rộng đối tượng áp dụng như quy định tại Điều 2 của Dự thảo Luật. Theo đó, Luật Cạnh tranh được áp dụng đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ hơn các đối tượng được mở rộng áp dụng, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước.

Liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật mới chỉ quy định một cách định tính về các căn cứ đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể, mà chưa có tiêu chí để đánh giá tính chất “đáng kể” của tác động hoặc khả năng gây tác động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định để bảo đảm tính khả thi.

Về trường hợp miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (Điều 14 của Dự thảo Luật), một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là “thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu” vì bản chất đây là hành vi gian dối.

Dự thảo Luật quy định cho phép miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong một số lĩnh vực đặc thù. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị quy định rõ các ngành, lĩnh vực đặc thù hoặc quy định những nguyên tắc cơ bản, làm cơ sở cho các luật khác quy định các hành vi đặc thù trong ngành, lĩnh vực cụ thể.

Chuyên đề