Lừa đảo hoàn thuế “đâm thủng” hải quan

(BĐT) - Việc lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế diễn ra trót lọt khi không ít cán bộ hải quan thoái hoá, nhận hối lộ để ký xác nhận khống trên các tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu.
Lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế diễn ra trót lọt khi được sự tiếp tay của cán bộ hải quan. Ảnh: St
Lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế diễn ra trót lọt khi được sự tiếp tay của cán bộ hải quan. Ảnh: St

“Ăn” phần trăm để ký khống

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng bổ sung vụ án lừa đảo hoàn thuế ở Công ty CP Thực phẩm công nghệ (TPCN) Sài Gòn tại TP.HCM (51% vốn nhà nước) và truy tố 43 bị can. Điều đáng nói, ít nhất 32 cán bộ hải quan ở tỉnh An Giang là đối tượng điều tra trong vụ án này, đã nhận hối lộ để tiếp tay cho bọn lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế.

Đọc kỹ hồ sơ điều tra của Công an TP.HCM về vụ này, có thể thấy, để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế một cách trơn tru, đối tượng chủ mưu là Trần Thị Bích Tuyền, Giám đốc Công ty CP Đại Đắc Tài và đồng bọn đã đưa hối lộ có “tính hệ thống” cho các công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (Cục Hải quan tỉnh An Giang).

Trần Thị Bích Tuyền khai đã chi tiền cho đàn em là Lâm Thị Thuỷ nhằm móc nối chi 0,3% cho các công chức hải quan cửa khẩu Khánh Bình để họ ký xác nhận khống trên nhiều tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, về việc Công ty CP TPCN Sài Gòn đã làm thủ tục xuất khẩu qua cửa khẩu Khánh Bình.

Nhóm của Tuyền đã móc nối thoả thuận với Nguyễn Văn Biên và Nguyễn Thanh Lâm - nguyên Chi cục trưởng và Đội trưởng. Sau đó, Biên, Lâm chỉ đạo cấp dưới ký khống với các vai trò là cán bộ nhận hồ sơ, kiểm hoá, kiểm soát, ký duyệt thông quan trên các tờ khai xuất khẩu cho Công ty TPCN Sài Gòn.

Đơn cử như từ 17/11/2012 đến 17/4/2013, Công ty TPCN Sài Gòn đã mở 120 tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu với tổng giá trị hàng hoá ghi trên tờ khai là hơn 446,8 tỷ đồng (thực tế là hồ sơ khống, trong đó mặt hàng thuốc lá có 92 tờ khai với giá trị ghi hơn 372,4 tỷ đồng). Để ký khống được 120 tờ khai hải quan này, Tuyền đã cho Thuỷ số tiền từ 3,5 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng để cho cán bộ, công chức hải quan cửa khẩu Khánh Bình.

Tuy nhiên, các công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình chỉ thừa nhận đã nhận 0,3% tiền ghi khống trên tờ khai, tương đương khoảng 1,117 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ 55,8 triệu đồng được chuyển vào bếp ăn tập thể và chi phí tiếp khách của chi cục này, còn lại Chi cục trưởng được chi 23%, 2 Chi cục phó và 2 Đội trưởng mỗi người được chia 11%, số còn lại chia cho số cán bộ trực tiếp kiểm hoá và giám sát mỗi người 11%. Chính những hành vi này gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước và đến nay số tiền này không có khả năng thu hồi.

“Viên đạn bọc đường”

Một điểm đáng lưu ý từ vụ án này là vai trò lãnh đạo, kiểm soát của người đứng đầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình là ông Nguyễn Văn Biên gần như bị vô hiệu hoá bởi những “viên đạn bọc đường” là tiền đút lót từ nhóm lừa đảo hoàn thuế.

Và trên thực tế, việc tiêu cực tại Hải quan cửa khẩu này đã có từ lâu. Như lời Biên khai nhận, từ tháng 8/2012 được điều động về làm Chi cục trưởng ở cửa khẩu Khánh Bình, còn việc ký tờ khai hàng hoá xuất khẩu khống để nhận tỷ lệ 0,3% trên giá trị tờ khai tại cửa khẩu này đã có từ trước. Sau khi Biên về đây thì Đội trưởng và các công chức ở đây cho biết việc ký tờ khai hàng hoá xuất khẩu khống cho doanh nghiệp để nhận tiền. Cá nhân Biên sẽ được chia từ 23% đến 28% tuỳ theo thời gian.

Ngoài vụ án nêu trên thì còn có 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế khác tại An Giang là vụ án Lê Thị Chi và vụ án Phạm Thanh Dũng, đã mua bán hàng ngàn hoá đơn khống rồi chi tiền cho cán bộ hải quan, cửa khẩu ký xác nhận thủ tục, lập hồ sơ xuất khẩu hàng khống để chiếm đoạt tiền của Nhà nước hơn 80 tỷ đồng. Do dính líu đến tiêu cực nên Hải quan An Giang có 34 cán bộ, lãnh đạo Chi cục Hải quan bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan đến những vụ việc nêu trên, vào tháng 3/2016, Tổng cục Hải quan đã quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt hành chính và cho thôi chức ông Huỳnh Thanh Tâm, Cục trưởng Hải quan tỉnh An Giang. Ông Tâm bị kỷ luật là vì trong thời gian đương chức đã thiếu trách nhiệm quản lý để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng. Nhất là khi hàng chục cán bộ hải quan cấp dưới của ông (đặc biệt là tại cửa khẩu Khánh Bình) đã bị nhóm lừa đảo “đâm thủng” bằng tiền.

Chuyên đề