Lợi dụng khai thác rừng trồng để chặt cây rừng tự nhiên

Lợi dụng việc khai thác gỗ rừng trồng từ dự án Flitch, một số hộ dân ở tỉnh Phú Yên đã cố tình khai thác cây rừng tự nhiên nằm rải rác trong dự án ở khu vực núi Cà Bương.
Rừng tự nhiên ở Phú Yên đang bị khai thác. Ảnh minh họa: TTXVN
Rừng tự nhiên ở Phú Yên đang bị khai thác. Ảnh minh họa: TTXVN

Lợi dụng việc khai thác gỗ rừng trồng từ Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”, hay còn gọi là dự án Flitch, một số hộ dân ở xã Sơn Hội, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã cố tình khai thác cây rừng tự nhiên nằm rải rác trong dự án ở khu vực núi Cà Bương.

Dự án Flitch nhằm mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng cho tổ chức, cộng đồng và hộ dân; quản lý bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao thu nhập của người dân.

Tại hiện trường, một vạt rừng rộng hàng chục ha bị cháy nham nhở, đang được nhiều người phát dọn, chuẩn bị cho mùa trồng rừng mới. Điều đáng nói là trước đó, mượn cớ khai thác rừng trồng là cây keo, người ta đã chặt tận gốc và cắt khúc những cây gỗ tự nhiên có đường kính từ 20 cm đến 30 cm nằm rải rác trong rừng thuộc dự án.

Ông Lê Sơn, một người dân đang làm thuê tại khu rừng của hộ ông Nguyễn Thanh Hà, hiện là Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hội, cho biết: "Mấy bữa qua, họ đã chở 'củi' về cả trăm khối rồi. Chi cục kiểm lâm đã lên kiểm tra”.

Liên quan đến việc tự ý chặt phá rừng tự nhiên xen kẽ trong rừng dự án Flitch thuộc khu vực hộ nhà mình quản lý, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hội nói: “Mình không biết luật pháp hay không, nhưng thấy có giấy của cơ quan người ta cho phép khai thác tận dụng gỗ trên diện tích mà mình đã khai thác keo nên mình làm chứ cũng không biết...”

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, ông Trần Ngọc Tây thì cho rằng, UBND xã chỉ cho phép tận dụng cành nhánh của cây keo sau khi khai thác từ dự án Flitch để làm củi. Riêng cây rừng tự nhiên trong diện tích rừng này thì xã không có chức năng cho phép.

Ông Trần Ngọc Tây nói: “Giấy phép là để tận dụng lại củi keo sau khi khai thác. Còn tất cả các vấn đề khác như cây cối tự nhiên thì không cho phép chặt phá, phải giữ nguyên lại. Sau khi khai thác chúng ta tiếp tục trồng lại rừng để bảo vệ. Còn vấn đề xã mà cho phép khai thác là không có.”

Sau khi phát hiện vụ phá rừng nói trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cùng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và UBND xã Sơn Hội đã kiểm tra hiện trường. Qua đó phát hiện lập biên bản và tạm giữ 144,39 tấn cây gồm các loài như: cồng, cốc, lành ngạnh, muồng... khai thác từ rừng tự nhiên nằm rải rác trong rừng trồng thuộc dự án Flitch của hai hộ gia đình là ông Huỳnh Văn Trọng và ông Nguyễn Thanh Hà, đều trú tại thôn Tân Lương, xã Sơn Hội. Trong đó, hộ ông Nguyễn Thanh Hà khai thác 92,71 tấn và hộ ông Huỳnh Văn Trọng khai thác 51,68 tấn.

Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, năm 2010, hai hộ này đều được UBND huyện Sơn Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 20,017 ha; trong đó, hộ ông Nguyễn Thanh Hà được cấp 13,327 ha và hộ ông Huỳnh Văn Trọng được cấp 6,69 ha.

Năm 2012, hai hộ này có tham gia trồng rừng dự án Flitch và đến tháng 9/2017 họ đều làm đơn xin khai thác rừng trồng là cây keo và được UBND xã Sơn Hội xác nhận. Tuy nhiên, lợi dụng việc khai thác rừng trồng, họ đã chặt luôn cây rừng tự nhiên nằm rải rác trong rừng trồng.

Sau khi phát hiện vụ phá rừng nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc tăng cường quản lý rừng trồng từ nguồn vốn dự án Flitch hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn các huyện miền núi: Sơn Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh; trong đó, nhấn mạnh khi khai thác cây rừng trồng phải thực hiện đúng qui định, không chặt cây rừng tự nhiên có đường kính hơn 10cm nằm rải rác trong rừng trồng.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang tiếp tục điều tra làm rõ mức độ sai phạm của hai hộ gia đình nói trên để xử lý theo pháp luật.

Chuyên đề