Lo ngại về hiệu quả sử dụng tài sản công

(BĐT) - Cho ý kiến trong phiên họp tại tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng bày tỏ lo ngại về tính tiết kiệm và hiệu quả sử dụng các trụ sở làm việc của nhiều cơ quan nhà nước hiện nay, đặc biệt là các trụ sở ở địa phương. 
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về chế tài đối với những cơ quan đầu tư lãng phí, sử dụng trụ sở không đúng mục đích. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về chế tài đối với những cơ quan đầu tư lãng phí, sử dụng trụ sở không đúng mục đích. Ảnh: Lê Tiên

Chia sẻ lo ngại của Bộ trưởng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không cải cách được việc quản lý và sử dụng, thì các trụ sở công – tài sản nhà nước sẽ tiếp tục bị sử dụng lãng phí.

Nên tập trung hay phân tán?

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Dự án Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, bên cạnh đó có đưa một số quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn đã được chứng minh sự phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện vào Dự thảo Luật, trong đó có nội dung đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Cụ thể, Dự án Luật bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công. Theo đó, giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Cùng với đó, thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công...

Mặt khác, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung (giao một Bộ làm đầu mối quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan nhà nước thuộc Trung ương; mỗi tỉnh, thành phố giao một đầu mối để quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan nhà nước thuộc địa phương) nhằm tăng cường hiệu quả trong đầu tư, bố trí sử dụng, khả năng điều hòa tài sản nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như hiện nay.

Về các nội dung nêu trên, một số đại biểu Quốc hội nhất trí với Dự thảo Luật trên tinh thần tiếp tục duy trì thực hiện quản lý trụ sở làm việc theo mô hình phân tán như hiện nay, song đề nghị rà soát, bổ sung quy định về các biện pháp, chế tài đối với những cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở không đúng mục đích, đầu tư lãng phí, không phù hợp với công năng, nhu cầu sử dụng. Trong trường hợp ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư trụ sở làm việc không đáp ứng được yêu cầu, cho phép áp dụng hình thức đầu tư PPP (Điểm c Khoản 4 Điều 30 của Dự thảo Luật) để huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư, thỏa mãn nhu cầu về trụ sở làm việc phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo Ủy ban TCNS, việc quản lý đầu tư theo mô hình khu hành chính tập trung, phân tán, áp dụng hình thức đầu tư PPP cần có mô hình cụ thể, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tăng cường tối đa tính công khai, minh bạch để mang lại hiệu quả cao nhất; tránh xây dựng phô trương, hình thức, lãng phí, không công bằng trong khi có những công trình khác cần thiết, cấp bách hơn cần được xây dựng để phục vụ nhân dân. 

Quy định rõ để tránh lãng phí

Dự thảo Luật cần có những quy định để luật hóa việc đưa giá trị đất, giá trị địa tô chênh lệch phải thuộc quyền quản lý và sở hữu của Nhà nước
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến, thực tế ở các địa phương cho thấy, các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục… có rất nhiều đầu mối làm việc, mỗi đầu mối là một trụ sở cơ quan, kéo theo đó là một bộ máy hành chính (bảo vệ, lái xe, phục vụ, kế toán...). “Nếu có thể tập trung những đầu mối cơ quan này lại ở một mức độ nào đó (không cần tuyệt đối hóa) thì sẽ giảm được một số lượng lớn các đầu mối, trụ sở, bộ máy, chi phí hoạt động và đầu tư ban đầu. Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho ngân sách” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đất đai là nguồn lực rất lớn của toàn dân, nhưng nguồn lực này chưa được sử dụng hiệu quả, thậm chí còn lãng phí lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí là do các dự án hiện nay không xây dựng được định mức diện tích đất cần sử dụng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng, có dự án chỉ cần sử dụng 100ha đất là vừa đủ, nhưng các doanh nghiệp (DN) lại làm đề xuất xin tới 1.000ha vì giá đất cho thuê rẻ, thậm chí rất thấp. Tuy nhiên, sau khi có đất thì DN lại tiếp tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi đó, phần đất này sẽ tạo ra một giá trị sử dụng khác mà DN lại không phải thực hiện đấu thầu, đấu giá. Điều này cũng có nghĩa DN đương nhiên được hưởng phần địa tô chênh lệch mà đáng lẽ Nhà nước phải được hưởng.

Với những phân tích như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là những thất thoát lớn của ngân sách nhà nước hiện nay, kể cả trong quá trình cổ phần hóa DNNN. “Dự thảo Luật cần có những quy định để luật hóa việc đưa giá trị đất, giá trị địa tô chênh lệch phải thuộc quyền quản lý và sở hữu của Nhà nước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm này, đại biểu Triệu Tài Vinh (Đoàn Hà Giang) yêu cầu  Dự thảo Luật cần có những quy định bổ sung về việc sử dụng tài nguyên đất không đúng mục đích. Theo ông Vinh, hiện rất nhiều công ty, nông lâm trường quản lý và sử dụng tài nguyên đất không hiệu quả. Việc sử dụng không hiệu quả tài sản công, mà cụ thể là tài nguyên đất, đã tạo ra những bức xúc trong dư luận khi nhiều DNNN thực hiện cổ phần hóa không muốn giữ lao động, mà chỉ muốn giữ đất.

Chuyên đề