Lập khống hồ sơ chiếm đoạt tiền tỷ của Quỹ Tín dụng

(BĐT) - 8 bị cáo nguyên là cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Phùng Xá (Hà Nội) đã phải ra tòa bởi hành vi bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Nhiều cán bộ của Quỹ Tín dụng nhân dân Phùng Xá đã tham gia “giúp sức” cho Phạm Đình Phúc chiếm đoạt số tiền 9,1 tỷ đồng của Quỹ. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều cán bộ của Quỹ Tín dụng nhân dân Phùng Xá đã tham gia “giúp sức” cho Phạm Đình Phúc chiếm đoạt số tiền 9,1 tỷ đồng của Quỹ. Ảnh: Lê Tiên

Quỹ Tín dụng nhân dân Phùng Xá được thành lập năm 1995. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ chủ yếu từ vốn chủ sở hữu, vốn huy động tiền gửi từ dân cư, vốn vay các tổ chức tín dụng. HĐQT Quỹ có 5 người do Phạm Đình Phúc làm Chủ tịch HĐQT.

Quá trình hoạt động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành thanh tra về tổ chức và hoạt động đối với Quỹ. Đoàn thanh tra giám sát thuộc NHNN phát hiện hàng loạt sai phạm của Ban quản trị, kiểm soát buông lỏng quản lý dẫn đến Quỹ Tín dụng mất khả năng thanh toán.

Cụ thể, từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2014, do cần tiền trả nợ và phục vụ cá nhân, Phạm Đình Phúc bàn bạc, chỉ đạo Ban giám đốc và cán bộ lập khống 18 hồ sơ rút số tiền 9,1 tỷ đồng. Những hồ sơ này đứng tên người thân, quen của Phúc như anh chị em ruột, con cháu, bạn bè… Số tiền này Phúc khai để kinh doanh và trả nợ.  Sau đó, cơ quan thanh tra NHNN đã kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội để điều tra, giải quyết theo quy định.

Đoàn thanh tra giám sát thuộc NHNN đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Ban quản trị Quỹ Tín dụng nhân dân Phùng Xá, dẫn đến Quỹ mất khả năng thanh toán.
Cơ quan điều tra làm rõ một loạt cán bộ của Quỹ đã tham gia “giúp sức” cho Phúc chiếm đoạt số tiền trên. Mặc dù biết rõ Phúc lập hồ sơ tín dụng giả và chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ nhằm rút tiền của Quỹ nhưng các cán bộ như Nguyễn Huy Du (nguyên Giám đốc), Phạm Đình Sơn (nguyên Phó Giám đốc), Phan Văn Tuấn và Hoàng Đức Tuấn (Kế toán trưởng), Nguyễn Khả Tiến (cán bộ tín dụng) vẫn ký xác nhận trên hồ sơ tín dụng và các sổ sách, chứng từ kế toán.

Đối với Đoàn Kim Hân - Phó Giám đốc Quỹ phụ trách công tác kế toán, Đỗ Hữu Quang - Trưởng ban Ban kiểm soát biết các cán bộ lập chứng từ giải ngân không đúng quy định nhưng không ngăn cản. Hành vi bỏ mặc của các bị cáo khiến Phạm Đình Phúc rút trót lọt số tiền 9,1 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN còn phát hiện các bị cáo làm thất thoát số tiền 7,7 tỷ đồng.

Năm 2011, Quỹ Tín dụng nhân dân Phùng Xá gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản đã vay của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương – Chi nhánh Hà Tây (nay là Ngân hàng Hợp tác xã – Co.op Bank). Việc thu hồi nợ cũng gặp khó khăn.

Do đó, bị cáo Phúc và Nguyễn Huy Du đã chỉ đạo các thành viên trong Quỹ vay tín dụng đen bên ngoài được 39 tỷ đồng. Các bị cáo hợp thức số tiền trên bằng cách làm giả sổ tiết kiệm tiền gửi của khách hàng. Chính hành vi vay lãi suất đen khiến Quỹ bị thiếu hụt 7,7 tỷ đồng. Để đối phó công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2014, Phúc và Du tiếp tục chỉ đạo các thành viên lập khống 29 hồ sơ khách hàng lấp liếm sai phạm.

Ngày 14/3, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm nhưng phải tạm hoãn do vắng mặt 1 bị cáo tại ngoại.

Chuyên đề