Lập hợp đồng khống rút ruột ngân hàng

(BĐT) - Cựu Giám đốc doanh nghiệp đã cấu kết với các công ty khác để lập hợp đồng khống, đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), một trong số các ngân hàng cho vay vốn, đã rút đơn tố cáo vị Giám đốc lừa đảo này.
Ngân hàng VIB đã rút đơn tố cáo nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phú Dương mặc dù bị chiếm đoạt tiền tỷ. Ảnh: Ngân Hà
Ngân hàng VIB đã rút đơn tố cáo nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phú Dương mặc dù bị chiếm đoạt tiền tỷ. Ảnh: Ngân Hà

Tài sản thế chấp không tồn tại

Theo tài liệu truy tố, Công ty TNHH Phú Dương do Khuất Văn Phú (sinh năm 1963, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) làm Giám đốc. Bị cáo Khuất Văn Phú đã cấu kết với một số giám đốc doanh nghiệp khác để ký hợp đồng kinh tế khống, đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng, chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của VIB và một số ngân hàng khác.

Cụ thể, năm 2007, Công ty Phú Dương được VIB cấp hạn mức tín dụng 50 tỷ đồng. Đến năm 2008, Khuất Văn Phú đã bàn bạc với Hoàng Tuấn Lê - Phó Giám đốc Công ty Tân Nghệ An, Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Công ty Thép Mới để ký khống hợp đồng mua bán thép, lập khống biên bản giao nhận hàng hóa, lập khống 3 phiếu thu tiền. Sau đó, Khuất Văn Phú đã sử dụng các giấy tờ khống này để đưa vào hồ sơ vay vốn và được VIB giải ngân gần 11 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là một xe ô tô và gần 1.300 tấn thép các loại. Tuy nhiên, do hợp đồng mua bán khống nên thực chất tài sản bảo đảm 1.300 tấn thép không có thật.

VIB đã giải ngân số tiền vay vào tài khoản của Công ty Tân Nghệ An mở tại Techcombank, sau đó Công ty Tân Nghệ An đã chuyển lại số tiền vào tài khoản của Công ty Phú Dương. Khuất Văn Phú dùng số tiền này để trả nợ cho Techcombank… Đến nay, Khuất Văn Phú đã khắc phục được 3,1 tỷ đồng và còn chiếm đoạt hơn 7,8 tỷ đồng. 

Qua mắt một ngân hàng khác với “chiêu cũ”

Với cách thức tương tự, Khuất Văn Phú đã chiếm đoạt của một ngân hàng khác hơn 12 tỷ đồng. Năm 2008, Công ty Phú Dương được ngân hàng này ký hợp đồng hạn mức tín dụng, tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho và hàng hóa hình thành từ vốn vay. Trên cơ sở hợp đồng này, Khuất Văn Phú đã ký một số khế ước vay tiền nhưng đến nay không còn khả năng thanh toán, đồng thời không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Vào tháng 10/2008, Công ty Phú Dương đã được ngân hàng này giải ngân 13,9 tỷ đồng, cho vay theo hợp đồng mua bán thép với Công ty Lê Tôn, mua 1,58 triệu kg thép tấm cán nóng trị giá gần 20 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Lê Tôn đã xuất khống hóa đơn VAT, lập biên bản giao nhận hàng hóa khống, lập biên bản kiểm kê tài sản gửi kho, hợp đồng thuê kho ba bên… để Khuất Văn Phú đưa vào hồ sơ vay vốn. Hậu quả là Công ty Phú Dương không có khả năng trả nợ.

Một khế ước khác, Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Công ty Thép Mới đã bàn bạc với Khuất Văn Phú ký hợp đồng mua thép khống để vay tiền ngân hàng rồi chuyển cho Nguyễn Văn Ngọc sử dụng. Tháng 9/2008, Công ty Phú Dương và Công ty Thép Mới đã ký hợp đồng mua 1,75 triệu kg thép tấm cán mỏng với tổng giá trị là 23,1 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Thép Mới lập khống biên bản giao nhận hàng hóa, phiếu thu và xuất hóa đơn GTGT khống.

Trên hồ sơ khống này, ngân hàng đã giải ngân hơn 16 tỷ đồng và sau khi được giải ngân, Khuất Văn Phú đã chuyển số tiền này cho Nguyễn Văn Ngọc sử dụng. Tương tự như vậy, Khuất Văn Phú còn làm khống hợp đồng mua bán hàng hóa và vay 12,7 tỷ đồng. Đến nay Khuất Văn Phú đã khắc phục được một phần hậu quả và còn nợ lại hơn 10 tỷ đồng.

Quá trình điều tra xác định một số cán bộ của VIB và một số ngân hàng khác đã thực hiện việc kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm nhưng không phát hiện ra hành vi gian dối, lập khống hồ sơ để vay và chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện hành vi gian dối thì đã chủ động tố giác tội phạm. Do đó, Cơ quan điều tra không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của các cán bộ này.

Cũng trong quá trình điều tra, VIB xin rút đơn tố cáo. Với hành vi này, Khuất Văn Phú và các đồng phạm Nguyễn Văn Ngọc (nguyên Giám đốc Công ty CP Thép Mới); Hoàng Tuấn Lê (nguyên Phó Giám đốc Công ty Tân Nghệ An); Lê Anh Nguyên (nguyên Giám đốc Công ty Lê Tôn) bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khung hình phạt từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Chuyên đề