Lãnh đạo Bắc Ninh bị đe doạ: Bộ Giao thông vận tải lên tiếng

(BĐT) - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành đã ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dừng thực hiện Dự án Nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia. Tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trên toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định; không có phương tiện thủy nội địa mắc cạn nếu đi đúng trọng tải và đúng luồng. 
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc nạo vét luồng đường thủy nội địa với khối lượng thi công từ 500 m3 trở lên phải có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Ảnh: Huyền Trang
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc nạo vét luồng đường thủy nội địa với khối lượng thi công từ 500 m3 trở lên phải có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Ảnh: Huyền Trang

Điều đáng nói, sau khi đề nghị dừng thực hiện Dự án, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ vì bị đe dọa. 

Lý do tạo điều kiện cho doanh nghiệp nạo vét

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết sáng 16/3 đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh liên quan tới Dự án Nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định Bộ GTVT đã tạm dừng cấp mới dự án xã hội hóa nạo vét duy tu trên các tuyến luồng hàng hải từ năm 2015. Đến thời điểm này, Bộ GTVT chỉ chấp thuận chủ trương thực hiện 1 dự án trên tuyến đường nội địa quốc gia trên cơ sở có văn bản đồng thuận của địa phương.

Lý giải về Văn bản số 1689 ngày 22/2/2017 của Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư để tiếp tục thi công nạo vét tại những vị trí chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, hôm 9/3/2017, Bộ GTVT nhận được văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tạm dừng triển khai thực hiện Dự án Nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu.

Bộ GTVT cũng nhận được Văn bản số 303 ngày 8/3/2017 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc tạm dừng thi công Dự án Nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu, Dự án đoạn từ km1+000 đến km30+000.

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa và kết quả khảo sát hiện trạng dự án do Cục Đường thủy nội địa phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Bắc Ninh và đơn vị tư vấn độc lập đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn của Dự án thì có tới 3/4 vị trí đoạn cạn chưa đạt chuẩn tắc theo thiết kế.

Phạm vi của dự án nói trên có một số đoạn cạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Về vấn đề này, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chấp thuận cho phép gia hạn thực hiện Dự án tại 5 đoạn cạn trên sông Cầu thuộc địa bàn Tỉnh đến hết ngày 31/12/2017. 

Địa phương có quyền không chấp thuận

Ông Nguyễn Nhật cũng dẫn Thông báo số 76 ngày 3/3/2017 về kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh liên quan đến dự án trên như sau: “Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trên địa bàn tỉnh còn một số đoạn tuyến chưa đạt chuẩn tắc, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của các phương tiện thủy. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiểm tra đánh giá, lập phương án nạo vét tại những vị trí chưa đạt chuẩn tắc để tiến hành nạo vét”.

Nói về đề nghị của Bộ GTVT gửi tỉnh Bắc Ninh, ông Nhật khẳng định UBND Tỉnh có quyền không đồng ý. Theo quy định, việc nạo vét phải có ý kiến của Tỉnh, nếu Tỉnh không đồng ý thì không được làm. Ngoài ra, với khối lượng thi công từ 500 m3 trở lên phải có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp mới được triển khai thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, việc thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia tại các đoạn cạn không đảm bảo chuẩn tắc, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế là cần thiết. Trước khi chấp thuận chủ trương thực hiện, Bộ GTVT đã lấy ý kiến của địa phương. Theo quy định, sau khi có ý kiến thống nhất chủ trương của địa phương, thực hiện lập dự án và phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện việc đăng ký sản phẩm tận thu với địa phương thì dự án mới được ký hợp đồng thi công và thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và sự đồng thuận, phối hợp của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.

Chuyên đề