Làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

(BĐT) - Tại Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vừa được tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng tiêu chí tổ chức kinh tế có tỷ lệ sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) theo Luật Đầu tư hiện hành chưa phản ánh hết thực tiễn quản trị, quản lý doanh nghiệp (DN). 
Bổ sung tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài góp phần bảo đảm sự bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Quang Tuấn
Bổ sung tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài góp phần bảo đảm sự bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Quang Tuấn

Do đó, Dự thảo Luật cần bổ sung tiêu chí về quyền kiểm soát DN của nhà ĐTNN để đảm bảo hoạt động đầu tư của tổ chức có vốn ĐTNN bình đẳng với DN trong nước.

Cần thiết bổ sung tiêu chí

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoản 17, Điều 3 Luật Đầu tư quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN là tổ chức có nhà ĐTNN là thành viên hoặc cổ đông”. Như vậy, theo quy định này thì tổ chức có vốn ĐTNN là tổ chức có sự tham gia của nhà ĐTNN với bất kỳ tỷ lệ sở hữu nào trong vốn điều lệ của tổ chức đó.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư thì tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN chỉ phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà ĐTNN khi thuộc một trong các trường hợp: Thứ nhất là tổ chức kinh tế đó có nhà ĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; hoặc thứ hai, tổ chức kinh tế đó có sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN sở hữu từ 51% vốn điều lệ.

Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng điều kiện và thủ tục đối với các tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN. Song việc chỉ sử dụng tiêu chí về quốc tịch và tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trong tổ chức kinh tế là chưa đầy đủ, chưa phản ánh đúng thực tiễn quản trị của từng loại hình DN theo quy định của Luật DN, đồng thời chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu quản lý đối với tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN. Bởi lẽ, dù nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ thấp hơn 51% nhưng trong nhiều trường hợp, nhà ĐTNN vẫn có thể nắm giữ quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh và quản lý của DN mà không thông qua sở hữu. Chẳng hạn như kiểm soát hoạt động của DN Việt Nam thông qua hình thức cho vay kèm theo điều kiện quản lý, độc quyền tiêu thụ sản phẩm…

Là một luật sư cho các tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Pháp chế đối ngoại thuộc Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam lên tiếng: “Tôi khẩn thiết đề nghị sửa tiêu chí trong quy định Điều 23 Luật Đầu tư hiện hành. Điều 23 chỉ quy định thủ tục đầu tư đối với tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN khi có nhà ĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, còn các tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ thì thực hiện thủ tục như nhà đầu tư trong nước. Đó chỉ là về mặt thủ tục, còn xác định như thế nào là nhà ĐTNN thì chưa biết”.

Theo bà Dung, bám vào quy định của Điều 23, thực tế đã có trường hợp nhà ĐTNN lĩnh vực giáo dục lách luật. Cụ thể, nhà ĐTNN để cho DN Việt Nam thành lập DN rồi họ có cổ phần sát phần vốn cho phép (49% vốn điều lệ) để họ vẫn được trở thành nhà đầu tư trong nước và được quyền tuyển sinh như các cơ sở giáo dục trong nước…  “Như vậy, trong trường hợp này, về bản chất DN đó là DN có vốn ĐTNN, phải thực hiện thủ tục và nghĩa vụ như một nhà ĐTNN chứ không phải nấp dưới hình thức nhà đầu tư trong nước… Hậu quả của vấn đề này là gây nên bất bình đẳng với nhà đầu tư trong nước”, bà Dung nói. 

Quy định rõ ràng để tránh gây khó khăn khi thực hiện

Dù nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ thấp hơn 51% nhưng trong nhiều trường hợp, nhà ĐTNN vẫn có thể nắm giữ quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh và quản lý của DN mà không thông qua sở hữu. Chẳng hạn như kiểm soát hoạt động của DN Việt Nam thông qua hình thức cho vay kèm theo điều kiện quản lý, độc quyền tiêu thụ sản phẩm…
Để hoàn thiện Điều 23 Luật Đầu tư, tại Dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung tiêu chí về quyền kiểm soát DN của nhà ĐTNN, phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ - công ty con quy định tại Điều 89 Luật DN.

Theo đó, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN phải thực hiện thủ tục như quy định đối với nhà ĐTNN khi thuộc một trong các trường hợp: Nhà ĐTNN sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của tổ chức kinh tế đó; nhà ĐTNN trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của các tổ chức kinh tế đó; nhà ĐTNN có quyền quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức kinh tế đó. Việc áp dụng các tiêu chí này cũng phù hợp với quy định tại các hiệp định song phương về đầu tư hoặc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Góp ý về nội dung này, bà Giang Nguyễn, đại diện Công ty Luật Allens Linklaters cho biết, hiện Dự thảo Luật dựa trên 3 tiêu chí là khá rõ ràng. Song quy định như vậy có thể gây ảnh hưởng đến thủ tục khi nhà ĐTNN góp vốn hoặc mua cổ phần trong các DN Việt Nam. Lý do là, tiêu chí thứ hai và thứ ba nêu trên là khá chủ quan; tương đối khó xác định nhà ĐTNN có nắm giữ cổ phần chi phối trong DN hay không, tự nhà ĐTNN đánh giá sau đó nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền hay ai là người đánh giá trước khi DN nộp hồ sơ đó?… “Những vấn đề này cần được xem xét làm rõ trong Dự thảo Luật để tránh gây khó khăn trong việc thực hiện Luật sau này”, bà Giang Nguyễn góp ý.

Thông tin về tiến độ Dự án Luật, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hiện Dự thảo Luật đã được hoàn thành và đang gửi cộng đồng DN, địa phương tham gia đóng góp ý kiến. Đến nay, cơ quan xây dựng Luật đã cơ bản nhận được ý kiến góp ý của các đơn vị. Theo đó, Tọa đàm được tổ chức cũng nhằm mục tiêu tham vấn các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật. Theo kế hoạch, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Chuyên đề