Làm gì để giảm số vụ nhà thầu kiện chủ đầu tư?

(BĐT) - Gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN) tìm đến cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế qua trọng tài đã tăng lên đáng kể. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), để giảm thiểu những vụ tranh chấp, các bên liên quan cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề soạn thảo hợp đồng.
Để tránh tình trạng tranh chấp, quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng phải được viết một cách minh bạch. Ảnh: Lê Tiên
Để tránh tình trạng tranh chấp, quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng phải được viết một cách minh bạch. Ảnh: Lê Tiên

Ông có thể cho biết tình hình giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế thông qua trọng tài trong thời gian qua như thế nào?

Cho đến nay, tình hình giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế đã có bước cải thiện. Qua khảo sát trong 3 năm gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số DN biết tới trọng tài thương mại tăng gấp 2 lần, số vụ tranh chấp giải quyết qua trọng tài cũng tăng lên.

Thái độ của Nhà nước đối với trọng tài, đặc biệt là tòa án và cơ quan thi hành án cũng có chiều hướng tích cực. Tòa án vừa quan hệ hỗ trợ trọng tài, vừa giám sát trọng tài và các tổ chức trọng tài. Trước đây, DN thường rất lo sợ các phán quyết của trọng tài bị hủy vì một lý do nào đó, thậm chí không có căn cứ pháp luật, tuy nhiên hiện tại tình trạng này đã giảm đáng kể. Trong những năm gần đây, nhiều cơ quan thi hành án ở địa phương đã bắt đầu thực thi một cách rõ ràng, minh bạch các phán quyết của trọng tài.

Đối với quốc tế, việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài vào Việt Nam cũng bắt đầu được cải thiện, bằng cách là chúng ta có thể ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc hỗ trợ trọng tài trong nước. Đây là tín hiệu tốt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và sử dụng trọng tài Việt Nam giải quyết các tranh chấp.

Làm gì để giảm số vụ nhà thầu kiện chủ đầu tư? ảnh 1
Ông Trần Hữu Huỳnh
Mặc dù nhu cầu giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế của các DN ngày càng tăng, tuy nhiên, số vụ tranh chấp được giải quyết qua cơ chế trọng tài lại chưa nhiều. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này, thưa ông?

Việc giải quyết tranh chấp thương mại qua trọng tài còn thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể là do hạn chế trong việc tuyên truyền, phổ biết nâng cao nhận thức, hiểu biết của DN. Bên cạnh đó, đa số DN Việt Nam đều là DN nhỏ và vừa, chưa tích cực chủ động trong việc tìm hiểu pháp luật; chất lượng giải quyết tranh chấp của các tổ chức trọng tài, trọng tài viên cũng còn hạn chế, chưa tạo được độ tin cậy với DN.

Giải quyết được những hạn chế nêu trên sẽ góp phần giảm tải cho các tòa án, thẩm phán, từ đó tạo điều kiện cho tòa án, thẩm phán nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp và rút ngắn thời gian xét xử. Theo một khảo sát của VIAC, ở Hà Nội, trung bình mỗi năm phải xử lý hơn 300 vụ tranh chấp, nhưng chỉ có 7 thẩm phán. Thực tế này tạo áp lực rất lớn, dẫn đến thời hạn giải quyết tranh chấp thường bị kéo dài. Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP là rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống còn dưới 300 ngày vẫn sẽ là thách thức. 

Thời gian qua, tranh chấp hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực đấu thầu diễn ra phổ biến. Theo ông, để không xảy ra tranh chấp, khi ký kết hợp đồng, chủ đầu tư và nhà thầu cần lưu ý điều gì?

Các vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực đấu thầu gia tăng vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến nhiều đối tượng. Trước đây, ít có trường hợp nhà thầu kiện chủ đầu tư vì chủ đầu tư thường là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thực tế này hiện nay đã có nhiều thay đổi. Tình trạng chủ đầu tư bị nhà thầu kiện vì không đảm bảo cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu diễn ra khá phổ biến.

Để giảm thiểu những vụ tranh chấp cũng như tạo thuận lợi cho việc xử lý khi xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề soạn thảo hợp đồng. Ngoài các quy định chung trong các hợp đồng mẫu, hợp đồng trong lĩnh vực đấu thầu cần phải được soạn thảo chi tiết hơn, bởi các tranh chấp đều bắt nguồn từ việc nhà thầu không hiểu hợp đồng, hoặc hợp đồng quy định không rõ ràng.

Quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng phải được viết một cách minh bạch, lường trước tình huống có thể xảy ra và quy định rõ trách nhiệm của các bên khi xảy ra tình huống đó. Chẳng hạn như điều chỉnh về mức lương tối thiểu liên quan đến giá nhân công, thuê máy móc; thời hạn thanh toán của chủ đầu tư, thực hiện nghĩa vụ của nhà thầu; việc giải phóng mặt bằng... Nhà thầu và chủ đầu tư phải nắm rõ các biến số và cụ thể hóa các biến số đó trong hợp đồng.                           

Chuyên đề