Ký khống bảo lãnh ngân hàng, chiếm đoạt 150 tỷ đồng, HDBank liệu có vô can?

(BĐT) - Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đang đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc phát hành chứng thư bảo lãnh khống tại HDBank Chi nhánh Thăng Long.
Khi làm Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long, Lê Quý Hiển đã ký phát hành trái quy định 9 chứng thư bảo lãnh khống cho 5 doanh nghiệp. Ảnh: Tường Lâm
Khi làm Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long, Lê Quý Hiển đã ký phát hành trái quy định 9 chứng thư bảo lãnh khống cho 5 doanh nghiệp. Ảnh: Tường Lâm

9 chứng thư bảo lãnh khống cho 5 DN

Theo đó, 15 bị cáo được đưa ra xét xử trong 4 ngày (15 - 18/5/2017). Bị cáo chính Lê Quý Hiển, nguyên là Giám đốc Chi nhánh bị cáo buộc đã ký khống 9 chứng thư bảo lãnh, không có hồ sơ bảo lãnh, giá trị bảo lãnh vượt quá thẩm quyền, không có tài sản bảo đảm, không có tiền ký quỹ...

Được biết, sự việc đã được phát hiện từ năm 2012, HDBank đã có đơn thư trình báo cơ quan công an nhưng sau đó Lê Quý Hiển đã bỏ trốn khỏi Hà Nội và Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Hiển. Sau 1 năm bỏ trốn, Hiển bị bắt.

Qua điều tra cho thấy, tháng 12/2010, Lê Quý Hiển được bổ nhiệm làm Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long. Trong thời gian từ tháng 11/2011 đến tháng 3/2012, Lê Quý Hiển đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để ký phát hành trái quy định 9 chứng thư bảo lãnh khống cho 5 doanh nghiệp (DN) sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản của đối tác.

Chiếm đoạt tiền

5 DN này đã ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với các đối tác khác  theo hình thức mua hàng trả chậm. Để đối tác yên tâm, các doanh nghiệp này đã đưa ra chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Thực tế, một số trường hợp các hợp đồng mua bán hàng hóa là không có thật mà bản chất các hợp đồng này để che giấu hoạt động cho vay.

Chẳng hạn như trường hợp Công ty CP Đầu tư sản xuất và thương mại Việt Thanh ký hợp đồng mua 1.150 tấn thép từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Công ty Hadico).

Nhưng trên thực tế, hai bên không có hàng hóa, việc giao nhận hàng hóa, hóa đơn chứng từ chỉ là để hợp thức hóa. Cụ thể, Công ty Vạn Lợi bán 1.150 tấn thép trị giá 17,7 tỷ đồng cho Công ty Hadico. Công ty Hadico lại bán số thép trên cho Công ty Việt Thanh rồi Việt Thanh bán lại cho Công ty Nhật Cường. Cuối cùng, Công ty Nhật Cường bán lại số thép trên cho Công ty Vạn Lợi. Trong loạt giao dịch lòng vòng này, hoàn toàn không có hàng hóa.

Bản chất là Công ty Việt Thanh có nhu cầu vay tiền và Công ty Hadico có nguồn tiền nhàn rỗi. Hai bên đã thỏa thuận cho vay tiền dưới hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa có bảo lãnh của ngân hàng.

Sau khi hai bên ký hợp đồng mua bán, Lê Quý Hiển đã ký ban hành 2 chứng thư bảo lãnh tổng trị giá hơn 19 tỷ đồng, bên thụ hưởng là Công ty Hadico. Công ty Hadico đã chuyển tiền vào tài khoản Công ty Vạn Lợi mở tại HDBank Chi nhánh Thăng Long.

Đáng nói là Công ty Vạn Lợi còn dư nợ gần 1.000 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng, tài sản Công ty đã thế chấp ngân hàng, kho thép không có hàng hóa lưu kho.

Một trường hợp khác, Lê Quý Hiển đã ký ban hành 3 chứng thư bảo lãnh cho Công ty Á Âu, bên thụ hưởng gồm CTCP Vicem thương mại xi măng, CTCP Dịch vụ viễn thông An Đô, CTCP Đầu tư kinh tế Hồng Hà. Theo đó, Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Á Âu đã gặp Lê Quý Hiển trao đổi về việc một số DN dư vốn có nhu cầu cho vay dưới hình thức ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa trả chậm từ 3 - 4 tháng lãi suất 4% với điều kiện có bảo lãnh thanh toán.

Lê Quý Hiển đồng ý cấp chứng thư bảo lãnh. Sau đó, Công ty Á Âu đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với 3 công ty nói trên và ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh. Khi hết thời hạn, Công ty Á Âu không thanh toán tiền, Công ty Vicem thương mại xi măng đã yêu cầu HDBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Lúc đó DN mới biết bảo lãnh “khống”. Theo quy định của ngân hàng, giám đốc chi nhánh chỉ được quyền phê duyệt tối đa là 2 tỷ đồng, nếu vượt hạn mức phải có tờ trình. Nhưng Lê Quý Hiển đã ký phát hành bảo lãnh với giá trị lên tới trên 8 tỷ đồng, không có hồ sơ bảo lãnh, không phát sinh thu phí bảo lãnh. Trên toàn hệ thống kế toán, sổ sách... của ngân hàng đều không ghi nhận và hạch toán các chứng thư bảo lãnh này.

Tổng cộng, Lê Quý Hiển đã ký khống 9 chứng thư bảo lãnh cho 5 DN dẫn đến các DN này đã chiếm đoạt gần 150 tỷ đồng của nhiều DN khác.

Chuyên đề