Kiên quyết đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm

(BĐT) - Kể từ khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực cho đến nay, có 12 bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số 40 hồ sơ.
Thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN diễn ra ngày càng phức tạp
Thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN diễn ra ngày càng phức tạp

Thông tin này vừa được cập nhật tại Hội nghị Tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC).

Xử lý vi phạm còn ít và chậm

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN diễn ra ngày càng phức tạp và xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Trong đó, có nhiều vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN gây ảnh hưởng xấu đến an toàn của quỹ an sinh xã hội.

Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, bản thân ngành BHXH đã áp dụng nhiều giải pháp như: cử cán bộ chuyên quản theo dõi, đôn đốc việc đóng và trả nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động; thành lập các tổ thu nợ liên ngành. Đồng thời, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra và thông tin, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị trên địa bàn để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời.

Đối với những đơn vị trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN số lượng lớn, kéo dài, ngành BHXH đã công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi trực tiếp đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện người lao động, khởi kiện các đơn vị nợ đọng kéo dài.

Ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế... để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN...

Tuy nhiên, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, việc xử phạt, khởi kiện các đơn vị nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên trong thực tế số đơn vị vi phạm nhiều nhưng số vụ việc được xử lý còn ít và chậm trễ.

Tính đến nay, đã có 12 BHXH tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hình vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với tổng số 40 hồ sơ. Trong đó, 15 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 214; 01 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 215 và 24 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 216. Trong đó, 15 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 214; 01 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 215 và 24 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 216.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành tòa án

Về phía ngành tòa án, Phó chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trước khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực, các hành vi gian lận, lừa dối, trục lợi trong BHXH, BHYT, BHTN xảy ra có thể bị truy tố xét xử theo các tội danh khác được quy định trong BLHS năm 1999: như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản... Tuy nhiên, thống kê thụ ký, xét xử các vụ án hình sự hiện nay cũng chưa có tiêu chí xác định các hành vi phạm tội đó thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Vì vậy cũng không có số liệu cụ thể về việc xét xử các vụ án trong lĩnh vực này.

Sau khi BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật, đại diện ngành tòa án thừa nhận, cho đến nay các Tòa án cũng chưa thụ lý, xét xử vụ án hình sự nào về bảo hiểm. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, các hồ sơ vi phạm pháp luật về bảo hiểm được chuyển đến Cơ quan điều tra trong năm 2018 cũng chỉ có 02 vụ được khởi tố nhưng với tội danh khác.

Một trong những nguyên nhân khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng chưa “vào cuộc” mạnh mẽ, theo ông Tuệ, là do vướng mắc từ quy định của pháp luật và chờ hướng dẫn cả về việc áp dụng các điều luật của BLHS trong xử lý tội phạm về bảo hiểm và cả hướng dẫn về trình tự, thủ tục giải quyết. Chính vì vậy, hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN còn thấp.

Do đó, để tạo điều kiện cho ngành tòa án trong xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Tuệ cho biết, mới đây Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của BLHS. Nghị quyết này được xem là “cây gậy”, hỗ trợ đắc lực cho các cán bộ ngành tòa án.

Đáng chú ý, Nghị quyết đã giải thích rõ 15 thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các Điều 214, 215 và 216 của BLHS; Một số tình tiết định khung hình phạt; Xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018; Xác định tư cách tố tụng của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Dự kiến, vào cuối tháng 12/2019, để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ Nghị quyết, TANDTC sẽ tập huấn trực tuyến Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP cho toàn hệ thống Tòa án.

Chuyên đề