Kiến nghị xử lý trên 1.191 tỷ đồng và 310 nghìn USD tại Petrolimex

Kết thúc thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo liên Bộ Công thương - Tài chính cùng Petrolimex tổ chức kiểm điểm, khắc phục những thiếu sót, tồn tại và kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.191 tỷ đồng và 310 nghìn USD.
Trụ sở chính của Petrolimex. Ảnh: Bảo Anh
Trụ sở chính của Petrolimex. Ảnh: Bảo Anh

Đầu tư ngoài ngành không đúng quy định

Đến thời điểm thanh tra, giá trị doanh nghiệp tại 42 Cty xăng dầu thành viên tăng trên 2.476,9 tỷ đồng do đánh giá lại tài sản khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Đến nay, Petrolimex chưa xử lý dứt điểm.

Việc đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp, TTCP chỉ rõ, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định như: Việc tăng thêm vốn vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ), Cty Cổ phần (CTCP) Bảo hiểm Petrolimex hơn 171 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ) và tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Petrolimex khi không có sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ.

Điều đáng nói, Petrolimex sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh gần 646,6 tỷ đồng, trong đó cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng công trình, dự án hơn 414,6 tỷ đồng, còn lại đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

Việc đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp tại các Cty con cũng không hiệu quả như: CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco đầu tư hơn 56 tỷ đồng mua 652.000 cổ phiếu của CTCP An Phú chưa mang lại hiệu quả kinh tế và có nguy cơ mất vốn do kinh doanh thua lỗ; Tổng CTCP Hóa dầu Petrolimex đầu tư 5 tỷ đồng vào Cty TNHH Đầu tư Thương mại PLG cũng bị thua lỗ. Còn Cty Xăng dầu Khu vực II dùng vốn kinh doanh cho Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang vay ưu đãi sai quy định trên 25,5 tỷ đồng; Cty Vipco trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn trên 53,7 tỷ đồng không đúng quy định.

Có biểu hiện chiếm đoạt tài sản

Việc trích quỹ khen thưởng, phúc lợi ở Tập đoàn này chưa đúng qui định.

Báo cáo kết quả trong quý II/2016

Ngày 25/3/2016, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 1190 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó) về việc xử lý sau thanh tra tại Petrolimex.

Lãnh đạo Chính phủ đồng ý với nội dung kiến nghị của TTCP tại văn bản 1571/KL-TTCP; yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, UBND TP Hải Phòng, Petrolimex theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung kiến nghị của TTCP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong quý II/2016.

Năm 2010, Bộ Công Thương và Petrolimex đã quyết định xếp doanh nghiệp loại A năm 2010 cho 20 Cty xăng dầu thành viên, do đó các Cty đã trích, sử dụng quỹ khen thưởng với tổng số tiền hơn 133,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của cơ quan thuế xác định tất cả 20 doanh nghiệp nêu trên đều có vi phạm, bị xử phạt hành chính trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Năm 2011, việc xét duyệt, xếp loại doanh nghiệp năm 2011 thực hiện sau khi cơ quan thuế kiểm tra, nhưng Tập đoàn không báo cáo Bộ Công thương, do đó vẫn có 11 doanh nghiệp bị xử phạt về thuế được xếp loại A năm 2011 là không đúng quy định và đã trích quỹ khen thưởng hơn 19,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 6/2013, các Cty xăng dầu thành viên của Petrolimex đã chi 3 tháng lương kinh doanh cho người lao động khi nghỉ hưu với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng không đúng quy định của Bộ Tài chính.

Kết luận cũng chỉ ra, năm 2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh, Tổng Giám đốc Cty Vipco ký hợp đồng hợp tác đầu tư và Hợp đồng dịch vụ, chuyển trên 72,5 tỷ đồng vào tài khoản chung do Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản, sau đó có văn bản cho phép Cty này rút hơn 21,1 tỷ đồng không có căn cứ, số tiền rút ra không được sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng và hoạt động của Cty, đến nay còn lại trên 18,6 tỷ đồng không thu hồi được.

Ngoài ra, ngày 10/4/2008, ông Thịnh và ông Vũ Quang Khánh, Kế toán trưởng Cty Vipco còn chuyển 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, thuộc Cty Thiên Lộc Phú với nội dung trả các loại phí liên quan đến dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài, hiện vẫn chưa thu hồi được. Tổng số tiền trên 19,1 tỷ đồng của Cty Vipco không sử dụng cho việc thực hiện hợp đồng và không sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Cty Thiên Lộc Phú là biểu hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, từ năm 2010 đến tháng 6/2013, Cty và mẹ và các đơn vị thành viên đã thực hiện đầu tư 178 công trình, dự án với tổng mức đầu tư trên 11.857 tỷ đồng, trong đó có 29 dự án chậm tiến độ, 23 gói thầu có giá trị dự toán trên 5 tỷ đồng nhưng Tập đoàn phê duyệt lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu như tại Cty Xăng dầu khu vực II; chỉ định nhà thầu không đủ năng lực tài chính…

Kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, TTCP cũng chỉ ra, đất chưa khai thác sử dụng tại 32 vị trí, trong đó có 4.316m2 không đủ tiêu chuẩn để xây dựng cửa hàng xăng dầu; 77.024m2 chưa khai thác sử dụng, gây lãng phí; sử dụng 20.359m2 làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nhưng chưa bàn giao cho chính quyền địa phương; cho thuê, góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất tại 12 vị trí với diện tích 44.222m2 là không đúng quy định; các Cty xăng dầu thành viên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước về sử dụng đất khi Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam chuyển sang CTCP…

Điều chỉnh giá, thu lợi nhuận sai quy định

Trong công tác quản lý hao hụt xăng dầu, từ năm 2010 đến tháng 6/2013, Tập đoàn đã ban hành định mức hao hụt của các công đoạn cao hơn hao hụt tổng hợp thực tế từ 35% - 48% nhưng chưa kịp điều chỉnh dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh gần 311 tỷ đồng; hạch toán vào chi phí xăng dầu hao hụt vượt định mức không đúng quy định của Quy chế kinh doanh xăng dầu, làm giảm hiệu quả kinh doanh gần 7 tỷ đồng; thuê tàu vận tải với giá cước vận tải cao bất hợp lý dẫn đến tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh…

Từ 1/2010 - 6/2013, khi xây dựng giá cơ sở của xăng Ron 92, dầu Diezel, dầu hỏa, dầu mazut để quyết định giá bán lẻ, Petrolimex và liên Bộ Tài chính - Công thương đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở theo mức cố định cao hơn thực tế 67,6 triệu USD, dẫn đến tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ngày 23/9/2008, Bộ Công thương đã ban hành quyết định bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2 (các địa phương xa cảng quốc tế tiếp nhận xăng dầu chi phí cao, giá định hướng xăng dầu được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán lẻ vùng 1). Tuy nhiên, Petrolimex lại ban hành quy định tiếp tục phân vùng và thực hiện giá bán lẻ vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá bán lẻ nhà nước quy định. Điều này dẫn đến doanh thu vùng 2 tăng trên 2.796,8 tỉ đồng trong thời gian từ tháng 2/2010 đến cuối tháng 6/2013.

Mặt khác, từ năm 2010 đến ngày 30/6/2013, Petrolimex đã nhiều lần điều chỉnh giá bán nội bộ với tổng lợi nhuận thu về khoảng 920 tỉ đồng. Cụ thể, ở đợt điều chỉnh từ ngày 26/8 đến 10/10/2011, liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá xăng RON 92 giảm 500 đồng/lít nhưng Petrolimex lại điều chỉnh tăng giá bán nội bộ thêm 102 đồng/lít. Tương tự, từ ngày 31/10 đến 11/11/2012, trong khi liên bộ điều chỉnh tăng 650 đồng/lít thì Petrolimex giảm 100 đồng/lít và từ ngày 1 đến 14/12/2012, liên bộ điều chỉnh giảm 500 đồng/lít, Petrolimex lại tăng 200 đồng/lít..

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo liên Bộ Công thương - Tài chính cùng Petrolimex tổ chức kiểm điểm, khắc phục những thiếu sót, tồn tại và kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.191 tỷ đồng và 310 nghìn USD. Đồng thời, kiến nghị chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm thực thi nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với Cty Vipco và Cty Thiên Lộc Phú

Bộ Công thương yêu cầu Petrolimex kiểm điểm

Bộ Công thương đã có Văn bản số 2945 ngày 5/4/2016 yêu cầu Petrolimex tổ chức họp kiểm điểm cá nhân, tập thể và các Cty để xảy ra các tồn tại vị phạm đã nêu trong kết luận thanh tra. Việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm gắn với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật và quy chế kinh doanh xăng dầu, quy định về quản lý bán hành đối với doanh nghiệp tại Tập đoàn.

Bộ Công thương cũng yêu cầu Tập đoàn khẩn trưởng thực hiện các kiến nghị của TTCP; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/6/2016

Chuyên đề