Không khoan nhượng với vi phạm môi trường

(BĐT) - Trước những sự cố về môi trường xảy ra trong năm 2016, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã đặt ra nhiều giải pháp để tránh lặp lại các sự cố tương tự. 
Hàng loạt cơ sở sản xuất có quy mô xả thải lớn nằm trong diện thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Ngọc Giang
Hàng loạt cơ sở sản xuất có quy mô xả thải lớn nằm trong diện thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Ngọc Giang

Mọi hành vi vi phạm về môi trường sẽ bị xử lý kiên quyết, không khoan nhượng, kể cả đối với những Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa tính hết các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu giám sát công tác khắc phục vi phạm

Mới đây, khi tổng kết về công tác thanh, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Quốc Trung cho biết, năm 2016, các đơn vị thuộc Bộ đã tiến hành 90 cuộc thanh tra và kiểm tra theo chuyên đề đối với 1.176 tổ chức trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố; trong đó, có 4 cuộc thanh tra hành chính và 86 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 61 tổ chức với tổng số tiền là 20 tỷ 362,6 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 1 tỷ 20 triệu đồng; thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của 3 tổ chức.

Đánh giá quá trình thực hiện công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu rõ, sau thanh tra phải xác định được có bao nhiêu việc đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội; cần có cơ chế để sau khi thanh tra xong phải có hướng dẫn cho đối tượng thanh tra cách khắc phục những tồn tại đó. Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Thanh tra Bộ TN&MT phải đưa ra quy chế để thực hiện việc giám sát công tác khắc phục vi phạm, sai phạm của các đối tượng sau thanh tra để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và xử lý vi phạm sau thanh tra.

Liên quan đến công tác thanh tra năm 2017, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Thanh tra Bộ TN&MT và thanh tra các chuyên ngành cần bắt tay vào cuộc triển khai ngay sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu; thanh tra đến đâu phải kết luận đến đó và giám sát chặt việc thực hiện các kết luận thanh tra.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ TN&MT, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, có tầm nhìn dài hạn, có tính liên vùng trong các chương trình phát triển ở cấp quốc gia hoặc địa phương. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành cần đặc biệt quan tâm đến những chỉ số quan trọng về môi trường như sức chịu tải của môi trường, công nghiệp sản xuất phát thải các bon thấp… vì mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững. 

Xử phạt mọi hành vi vi phạm

Liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung, trả lời trước báo chí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, đến thời điểm này, việc khắc phục các lỗi kỹ thuật gây ra sự cố đã được chủ đầu tư thực hiện đạt 93%. Công việc này sẽ tiếp tục được thực hiện khẩn trương, cầu thị để mọi lỗi kỹ thuật đều được khắc phục triệt để. Chủ đầu tư đã cam kết thay đổi công nghệ ở những công đoạn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm theo hướng hiện đại hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Trong năm 2017, để hạn chế đến mức tối đa khả năng gây ra sự cố môi trường, một số giải pháp chính đã được Bộ TN&MT đưa ra. Theo đó, ngay từ cuối năm 2016, Bộ TN&MT đã tiến hành thanh tra hàng loạt các cơ sở sản xuất có quy mô xả thải lớn (200m3/ngày đêm trở lên) trên phạm vi toàn quốc. Kết quả thanh tra cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất chưa đáp ứng quy chuẩn xả thải của Việt Nam. Đầu năm 2017, tất cả những cơ sở thuộc loại này sẽ phải hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, năm 2017, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt việc rà soát về bảo vệ môi trường tại tất cả các tổ chức sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, bắt buộc các tổ chức này thực thi một cách nghiêm chỉnh các giải pháp được đưa ra trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường. “Mọi hành vi vi phạm về môi trường, thậm chí, ngay cả ĐTM đã được phê duyệt nhưng chưa tính hết các nguy cơ cũng sẽ được xử lý theo luật định một cách kiên quyết, không khoan nhượng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Đối với công tác thanh tra, giám sát về môi trường, người đứng đầu Bộ TN&MT khẳng định cần phải được tiếp tục tăng cường thực hiện trên phạm vi cả nước và phải được thực hiện với sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để không chồng chéo. Đặc biệt, việc thanh tra phải được thực hiện bởi những công chức có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao, được thực hiện nhờ các trang bị thiết bị kỹ thuật tiên tiến, để có thể ghi nhận các dấu hiệu ô nhiễm một cách chính xác, nhanh chóng, tự động và liên tục.

Chuyên đề