Không khoan nhượng với gian lận xuất xứ hàng Việt

(BĐT) - Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang, việc cảnh giác với gian lận xuất xứ hàng Việt Nam, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa là giải pháp quan trọng để khẳng định thương hiệu hàng Việt trên trường quốc tế.
Các thị trường nhập khẩu khi phát hiện hành vi gian lận có xu hướng áp mức thuế phòng vệ cho hàng hóa tương tự của cả quốc gia, ảnh hưởng rất lớn tới ngành hàng. Ảnh: Gia Khoa
Các thị trường nhập khẩu khi phát hiện hành vi gian lận có xu hướng áp mức thuế phòng vệ cho hàng hóa tương tự của cả quốc gia, ảnh hưởng rất lớn tới ngành hàng. Ảnh: Gia Khoa

Cảnh báo gian lận xuất xứ

Dự kiến tháng 9 tới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới ra quyết định cuối cùng về cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Tuy nhiên, kết luận sơ bộ về vụ việc này được DOC đưa ra đầu tháng 7/2019 cho biết, một số sản phẩm thép có nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan được chuyển tới Việt Nam để "chế biến sơ bộ" và sau đó xuất sang Mỹ. Với kết luận trên, DOC áp đặt mức thuế 456,23% với mặt hàng này.

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, mức thuế này áp dụng chủ yếu đối với sản phẩm thép CR và thép CORE của doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam nhập khẩu thép từ hai thị trường trên để sản xuất, xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Bộ Công Thương tiếp tục cảnh báo, khuyến nghị các DN về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Các DN cần nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Công Thương nhiều lần phát đi cảnh báo hiện tượng thép Trung Quốc dùng giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu…

Chống gian lận xuất xứ không chỉ “nóng” với các sản phẩm ngành thép mà còn với nhiều sản phẩm khác của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản (gỗ) tăng đều trong 6 tháng qua. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... Xuất khẩu gỗ tăng đột biến nhưng chưa hẳn đã vui, bởi Mỹ đang tiến hành điều tra gian lận thuế đối với một số công ty của Trung Quốc khi các công ty này chuyển một số mặt hàng gỗ ván ép được sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, lấy nhãn mác sản xuất từ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Bên cạnh việc DN nước ngoài gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3, một số DN trong nước còn dùng “chiêu” này để “lấy lòng” người tiêu dùng Việt Nam. Điển hình như vụ việc nghi vấn Công ty CP Điện tử Asanzo bán hàng Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam… 

Kiên quyết chống gian lận xuất xứ

Đề cập vấn đề mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi, Hiệp hội Thép Việt Nam nhìn nhận, đây không phải là câu chuyện mới, song để giải quyết dứt điểm lại không dễ dàng. Câu chuyện này càng trở nên nghiêm trọng khi các thị trường nhập khẩu hàng của Việt Nam phát hiện hành vi gian lận, họ sẽ có xu hướng áp dụng luôn mức thuế phòng vệ cho hàng hóa tương tự của cả quốc gia, gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành hàng.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, rủi ro giả mạo xuất xứ với hàng hóa Việt Nam là có, nhất là khi Mỹ cũng như EU cho phép người nhập khẩu tự khai xuất xứ hàng hóa trên cơ sở tự nguyện. “Việc kê khai xuất xứ tự nguyện này có thể dẫn đến rủi ro là khó kiểm soát được thông tin kê khai đúng hay sai. Trường hợp DN hay cá nhân xuất khẩu vi phạm quy định của của nước nhập khẩu thì họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nước nhập khẩu”, ông Khánh nói.

Về phía Việt Nam, chúng ta đã có những quy định để kiểm tra chặt khâu xuất xứ hàng hóa cũng như các hoạt động cụ thể để không bị lợi dụng xuất xứ. “Hiện Bộ Công Thương ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đi vào thị trường Mỹ. Chúng tôi đã có danh mục mặt hàng rủi ro cao gửi đến VCCI để tập trung kiểm soát”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Về câu chuyện xuất khẩu thép Việt Nam vào Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho hay, DN Việt Nam biết rất rõ điều này và tuân thủ nghiêm túc.

Đồng quan điểm này, một DN sản xuất thép xây dựng lớn tại Việt Nam cho biết, DN xuất khẩu đều tự biết mình phải làm gì để có thể xuất khẩu, trong đó có việc tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường mình định xuất khẩu đến…

Kiên quyết nói không với hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam, bảo vệ sản xuất trong nước, Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa ban hành đã nhấn mạnh các yêu cầu này.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết toàn ngành tài chính 6 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các cơ quan không khoan nhượng với việc này. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

Chuyên đề