Không để Chính phủ trả nợ thay doanh nghiệp

(BĐT) - Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. 
Đối với nợ tự vay tự trả, doanh nghiệp nhà nước là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Ảnh: Hồng Kỳ
Đối với nợ tự vay tự trả, doanh nghiệp nhà nước là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Ảnh: Hồng Kỳ

Tuy nhiên, bối cảnh mới cùng với những phát sinh từ thực tế đang đặt ra yêu cầu cần sửa đổi Luật. 

Giải quyết từ gốc bất cập thể chế tài chính công

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua 6 năm triển khai, Luật Quản lý nợ công đã tạo điều kiện tổ chức huy động vốn vay của Chính phủ cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2015), huy động vốn trong nước qua phát hành trái phiếu chính phủ đạt hơn 996 nghìn tỷ đồng, với tốc độ tăng bình quân 41%/năm. Bên cạnh đó, huy động được khối lượng lớn nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, khoảng gần 31,4 tỷ USD để tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc cấp bảo lãnh Chính phủ đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), ngân hàng chính sách tiếp cận được với các nguồn vốn vay dài hạn trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách với tổng giá trị cấp bảo lãnh Chính phủ là 568,5 nghìn tỷ đồng. Luật cũng làm nền tảng tạo điều kiện cho chính quyền địa phương huy động khoảng 25,8 nghìn tỷ đồng/năm thông qua phát hành trái phiếu, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai Luật Quản lý nợ công hiện hành đang vấp phải một số hạn chế, đặc biệt trong quản lý. Kể từ năm 2001 đến nay, nợ công đã có xu hướng gia tăng nhanh. Xét theo quy mô, dư nợ công cuối năm 2015 gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần năm 2001. Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, nợ công tăng 18,4%/năm. Đến cuối năm 2016, nợ công ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng nợ công quá nhanh, cả tổng nợ và số nợ phải trả hàng năm. Để giải quyết tận gốc vấn đề nợ công của nước ta trong những năm tới, việc cần làm không phải là giảm mạnh hoặc chấm dứt vay nợ để đầu tư, mà là phải giải quyết từ gốc sự bất cập của thể chế tài chính công và hành chính công của nước ta. 

Chính phủ không trả nợ thay cho doanh nghiệp

Luật Quản lý nợ công hiện hành quy định nợ công bao gồm 3 loại: nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo Bộ Tài chính, quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan để xây dựng Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi, vẫn còn một số ý kiến liên quan đến phạm vi nợ công, trong đó có vấn đề nợ công có bao gồm nợ của DNNN hay không?

Theo cơ quan soạn thảo Luật, Dự thảo Luật Quản lý nợ công được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành với phạm vi nợ công gồm 3 loại nợ nêu trên; đồng thời bổ sung nội dung loại trừ các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN và nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ và nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách.

Như vậy, cơ cấu nợ công theo quy định của Dự thảo Luật bao gồm các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh của DNNN. Đối với nợ tự vay tự trả, DNNN là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật để đảm bảo bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Mặt khác, theo quy định của Luật DN, DNNN vẫn là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ DN chịu trách nhiệm hữu hạn trên vốn điều lệ và DN chịu trách nhiệm hữu hạn trên tài sản của mình. Vì vậy, các khoản nợ của DNNN là nợ DN chứ không phải nợ công.

Quy định là vậy, song các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, thực tế cho thấy khi DNNN lâm vào tình trạng phá sản, nếu Nhà nước không cho DN phá sản thì chính Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm giải quyết nợ. Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khuyến cáo, Luật Quản lý nợ công sửa đổi cần quy định cấm Chính phủ trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho DNNN lâm vào tình trạng phá sản. Luật cũng phải quy định chặt chẽ hơn việc Chính phủ bảo lãnh vay nợ cho các DN này để không làm gia tăng nợ công.

Chuyên đề