Hoàng Công Lương xin xét xử vắng mặt

Gia đình cho biết Hoàng Công Lương đang điều trị tại bệnh viện do mệt mỏi, căng thẳng, bị "trầm cảm, rối loạn thích ứng".
Hoàng Công Lương tại phiên sơ thẩm lần một.
Hoàng Công Lương tại phiên sơ thẩm lần một.

Ngày mai (8/1), TAND thành phố Hòa Bình mở lại phiên sơ thẩm xét xử 7 người liên quan trách nhiệm trong sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong.

Ngày 7/1, gia đình bị can Hoàng Công Lương (bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) cho biết Lương đang cấp cứu, điều trị nội trú ở Khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp do mệt mỏi, căng thẳng từ sau khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Trước đó, bị can điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) và được chẩn đoán "rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm".

Trong đơn gửi TAND thành phố Hòa Bình ngày 5/1, vợ bị can Lương cho hay anh bị hoảng loạn nên khi cán bộ tòa án đến đưa giấy triệu tập chị phải ký thay. Chị mong tòa cho Lương được vắng mặt vào ngày khai mạc (8/1) khi đủ điều kiện sức khỏe và tâm lý sẽ đến tòa theo quy định.

"Tòa thông báo đã nhận được đơn song đến sáng nay vẫn chưa có hồi âm", vợ bị can Lương nói.

Cũng trong sáng nay, luật sư Ngô Hằng (một trong 10 luật sư bào chữa cho Hoàng Công Lương) cho biết dù chưa có thông báo về việc thân chủ có ra tòa được hay không, ngày mai các luật sư vẫn sẵn sàng tham gia phiên xét xử.

Theo thông báo của tòa, 31 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, bị đơn dân sự, người làm chứng, bị hại... HĐXX mời 9 người đại diện của bệnh nhân đã chết cùng đại diện 9 bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe, 2 bị đơn dân sự, 18 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 17 người làm chứng và hai giám định viên kỹ thuật hình sự (Viện khoa học hình sự - Bộ Công an) tham gia phiên tòa.

Vụ án từng được xét xử vào giữa năm 2018 song sau khoảng 20 ngày làm việc, TAND thành phố Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Sau hơn 6 tháng, thêm bốn người bị truy tố.

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.

Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.

Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) cùng Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.

Chuyên đề