Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật Nhà nước

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Trình bày tờ Tờ trình Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001, công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đạt nhiều kết quả quan trọng. Đó là ý thức trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân dân được nâng cao; các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục bí mật Nhà nước, quy chế bảo vệ bí mật nhà nước và tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá. Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật Nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời, để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.

Tờ trình cũng nêu rõ, trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa bảo đảm khả thi của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn, Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định về bí mật Nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ bí mật Nhà nước. Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước.

Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước như Tờ trình của Chính phủ. Việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.

Trước tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi ngày càng cao; mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy nội dung dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan trình Dự thảo tiếp tục rà soát một số quy định về quyền cơ bản của công dân và các quy định khác để bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật An toàn thông tin mạng và dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được xây dựng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung Tờ trình và dự thảo Luật cơ bản đã được Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 13 (tháng 8/2017) và ý kiến thẩm tra sơ bộ của cơ quan chủ trì thẩm tra, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về mặt kỹ thuật văn bản và nghiên cứu bổ sung nội dung dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất và logic giữa nội dung các quy định trong dự thảo Luật và thống nhất với hệ thống pháp luật. 

Chuyên đề