Hà Văn Thắm: Tổng giám đốc Sơn bị kiểm soát tại OceanBank

Sáng nay, cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm khai cựu tổng giám đốc Sơn không thể qua mắt được mình để chiếm đoạt tiền ngân hàng.
Bị cáo Thắm nói đủ khả năng kiểm soát cựu tổng giám đốc Sơn (áo trắng).Ảnh: Xuân Hoa
Bị cáo Thắm nói đủ khả năng kiểm soát cựu tổng giám đốc Sơn (áo trắng).Ảnh: Xuân Hoa

"Tôi có đủ biện pháp để kiểm soát Sơn. Mọi việc làm của ông Sơn đều được báo cáo hàng ngày và tôi đều đọc", bị cáo Thắm nói trong phiên xử vụ đại án tham nhũng, sai phạm trong quản lý tín dụng tại OceanBank mở tại TAND Hà Nội đã nhiều ngay qua.

Theo bị cáo Thắm, ông Sơn được giao khá nhiều tiền để chăm sóc khách hàng. Có những khoản ông Sơn giờ trước tòa khai không nhớ song bị cáo "thì nhớ". "Tiền anh Sơn cầm có thể nhiều nhưng chiếm đoạt và qua mắt được bị cáo thì không dễ", ông Thắm nói.

Tài sản của ông Sơn, bị cáo Thắm tự tin khai biết rất rõ. Khoản ưu đãi lớn nhất ông Thắm dành cho Sơn là hai triệu cổ phiếu OceanBank bán với giá ưu đãi.

Ông Thắm tin tưởng ông Sơn cũng như cựu tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu (người kế nhiệm) và tin họ không thể có hành vi tham ô, chiếm đoạt tiền của OceanBank như cáo buộc của VKS.

“Quan điểm của em là 5.000 đồng hay 50 triệu đồng đều là ăn cắp. Bị cáo đã nói với anh Sơn, anh em mình đều là đàn ông nên sòng phẳng”, bị cáo Thắm khai. 

Theo cáo buộc của VSKND Tối cao, trong hành vi phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm, tổng số tiền OceanBank đã sử dụng để chi lãi ngoài hợp đồng là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong số này hơn 246 tỷ được giao cựu tổng giám đốc Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng cho các khoản tiền gửi của Tập đoàn Dầu khí theo yêu cầu của Sơn. Và ông Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt.

Trong số 246 tỷ đồng, ông Sơn bị quy kết tham ô 49 tỷ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 197 tỷ. Đây là tiền của Nhà nước mà Sơn là người đại diện để quản lý. 

Ông Sơn bị truy tố về ba tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài hai khoản trên, ông còn phải chịu trách nhiệm về hơn 69 tỷ đồng khác.

Bị cáo Hà Văn Thắm trong sáng 6/9.Ảnh: Bảo Hà.

Nguyễn Xuân Sơn: “Bàng hoàng vì bị cáo buộc tham ô 49 tỷ”

Trong phần thẩm vấn kéo dài hơn một tiếng, luật sư hỏi ông Sơn: "Với chức vụ của mình, bị cáo có hành động nào mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình không?". Cựu tổng giám đốc OceanBank đáp: "Không".

Bị cáo Sơn khai sau khai rời OceanBank về làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam thì không tham gia công việc tại nhà băng này. Tuy nhiên ông lại bị quy kết đã tham ô 49 tỷ đồng trong giai đoạn này.

"Vì sao có con số 49 tỷ đồng", luật sư hỏi. Ông Sơn đáp: "Đó là 20% của cố tiền 246 tỷ đồng tôi đã nhận trong thời gian làm việc tại OceanBank để chăm sóc khách hàng".

“Tôi hết sức bàng hoàng về quy kết này. Tôi chưa bao giờ có ý tưởng tham ô mà thực sự cũng không tham ô được tiền của OceanBank. Với đạo đức, tư cách, phẩm chất của mình, từ khi đi làm, tôi chỉ mong có lợi cho doanh nghiệp, nhà nước", ông Sơn nói.

Bị cáo Thắm khi tiếp tục đối chất cũng khẳng định ông Sơn không chiếm đoạt đồng nào trong 246 tỷ đồng. “Giải thiết có chiếm đoạt thì không thể ra 49 tỷ vì sẽ là con số khác. Tuy nhiên, anh Sơn không thể chiếm đoạt”, ông Thắm nói.

Cũng trong sáng nay, các luật sư đã thẩm vấn làm rõ khoản vay 500 tỷ đồng "chạy" đi đâu.

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (cựu phó tổng giám đốc OceanBank) khai trong việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, OceanBank chưa có bất kỳ công văn nào về việc giải ngân số tiền này. Hồ sơ vụ án đều cho thấy hợp đồng tín dụng 0089 giữa ba bên Trung Dung – Ngân hàng Đại Tín – OceanBank  nêu rõ khi nào có công văn của OceanBank mới giải ngân. Song thực tế chưa có công văn này, Đại Tín đã giải ngân cho Trung Dung. "Người quyết định việc là ai thì bị cáo không rõ", ông Hoàn nói.

Theo ông Hoàn, ngày 22/6/2013 có lệnh chuyển tiền từ tài khoản 500 tỷ đồng từ tài khoản của ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) sang tài khoản của Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín, sau đó làm xác nhận số dư.

"Ai có thẩm quyền xác nhận số dư đó", luật sư của bị cáo Hoàn. Cựu phó tổng OceanBank trả lời: Các bên liên quan với lệnh phong toả đều có thẩm quyền nhưng cá nhân cụ thể nào thì không rõ. 

"OceanBank có thể làm gì để thu hồi 500 tỷ", luật sư chất vấn. Bị cáo Hoàn nói: "OceanBank có thể kiện vì hai bên còn lại đã thực hiện không đúng cam kết nếu không làm gì có chuyện thất thoát vì giải ngân trái quy định. Đại Tín phải có trách nhiệm về số tiền này".

Theo cáo buộc, trong thương vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín, các ông Thắm và Danh sử dụng pháp nhân Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung để vay tiền. Đây là công ty do ông Danh thành lập và thuê Trần Văn Bình làm tổng giám đốc, không có vốn cũng như bất cứ hoạt động kinh doanh gì.

Ngày 22/11/2012, ông Thắm chỉ đạo phó tổng giám đốc Hoàn cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷđồng, trong khi không có tài sản đảm bảo. Hôm sau, Bình và Hoàn đã ký hợp đồng tín dụng dài hạn với nội dung OceanBank cho vay 500 tỷ đồng để Công ty Trung Dung bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Số tiền này được OceanBank giải ngân cho Trung Dung qua một ngân hàng để thanh toán 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Sáu Phấn ( đại diện nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Đại Tín – TrustBank).

Cơ quan điều tra cáo buộc, số tiền 500 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Phía OceanBank bị thiệt hại đến thời điểm năm 2014 cả gốc lẫn lãi là hơn 540 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh sáng 6/9.

Tại phiên xét hỏi chiều 5/9, các bị cáo cũng đều khẳng định ngân hàng Đại Tín phải chịu trách nhiệm về khoản 500 tỷ bị thất thoát của OceanBank. 

Bị cáo Hà Văn Thắm khai nếu số tiền 500 tỷ cho công ty Trung Dung vay được phong toả theo đúng thoả thuận phong toả tài sản ba bên (ngân hàng Đại Tín – công ty Trung Dung -  OceanBank) thì sẽ không có chuyện sử dụng sai mục đích. 

Ông Thắm khai, mục đích vay vốn của công ty Trung Dung là đầu tư vào dự án khu phức hợp ở sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên bị cáo Phạm Công Danh sau đó lại khẳng định, số tiền 500 tỷ được sử dụng để cân đối thanh khoản của Ngân hàng Đại Tín.

Phạm Công Danh khai do bà Sáu Phấn yêu cầu vay để cân đối thanh khoản của ngân Đại Tín. Theo bị cáo này người thụ hưởng khoản tiền 500 tỷ này chính là bà Sáu Phấn. Ông Danh cũng cho rằng Ngân hàng Đại Tín đã có cam kết phong toả số tiền này nên nếu mất thì trách nhiệm thuộc về nhà băng trên. 

Trong khi đó, người đại diện Ngân hàng Đại Tín, bà Vũ Thị Phương Thảo cho biết: “Ngân hàng này không biết về việc phong tỏa số tiền 500 tỷ đồng”. Đại Tín không biết về cam kết phong tỏa tài khoản ba bên. Đến nay tài khoản của Công ty Trung Dung chỉ còn khoảng 498 triệu.

Chuyên đề