Hà Nội: Điều tra bổ sung vụ giám đốc chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng

Khách hàng nộp tiền cho công ty của Minh sẽ được hưởng lợi nhuận tương ứng với các gói sản phẩm tiền gửi là 3,5% mỗi tháng đối với hợp đồng 6 tháng, lợi nhuận cuối kỳ và tổng lợi nhuận là 21%; cao nhất là gói sản phẩm tiền gửi 12 tháng với lãi suất lên đến 54%, lấy lãi vào cuối kỳ.
Bị cáo Trịnh Anh Minh tại tòa sơ thẩm.
Bị cáo Trịnh Anh Minh tại tòa sơ thẩm.

Ngày 13/11, TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ giám đốc doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt 203,5 tỷ đồng với chiêu trò huy động vốn trả lãi suất cao.

Cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa cho thấy, bị cáo Trịnh Anh Minh (SN 1984, trú tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty CP Williams Việt Nam (Cty Williams), bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công ty Williams được thành lập vào tháng 8/2013 với các cổ đông sáng lập là Trịnh Anh Minh, vợ và mẹ đẻ bị cáo. Theo đăng ký kinh doanh, Cty Williams hoạt động các lĩnh vực: tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại; buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy móc khác…

Mặc dù không đầu tư và hoạt động kinh doanh gì nhưng để có tiền, Minh đã dùng thủ đoạn tự mình hoặc chỉ đạo nhân viên trong công ty quảng cáo, đưa ra các thông tin gian dối về lợi nhuận lớn trong kinh doanh các lĩnh vực nhà hàng, quán karaoke, cửa hàng điện thoại, cửa hàng đồng hồ và cửa hàng quần áo. Doanh nghiệp của Minh còn sẵn sàng mua lại các khoản nợ xấu và kinh doanh bất động sản.

Khách hàng có nhu cầu đầu tư thì nộp tiền tại công ty để thu lợi nhuận. Đặc biệt, nhằm thu hút được nhiều khách hàng bỏ tiền ra đầu tư, Cty Williams còn tổ chức nhiều sự kiện “Tri ân khách hàng” với những phần thưởng, quà tặng giá trị. Ngoài ra, Minh còn sẵn sàng chi tiền “hoa hồng” ở mức rất cao (từ 16% đến 21,5%) cho những người kết nối, tìm khách hàng đến gửi tiền cho đối tượng…

Tin tưởng, nhiều người đã gửi tiền và huy động tiền của bạn bè, người thân, thế chấp nhà cửa, vay tiền ngân hàng để có vốn gửi vào Cty Williams.

Bị cáo Minh đặt ra các mức hưởng lợi nhuận tương ứng với các gói sản phẩm tiền gửi là 3,5% mỗi tháng đối với hợp đồng 6 tháng, lợi nhuận cuối kỳ và tổng lợi nhuận là 21%; cao nhất là gói sản phẩm tiền gửi 12 tháng với lãi suất lên đến 54%, lấy lãi vào cuối kỳ.

Với chiêu bài trả lợi nhuận “khủng” trên, từ tháng 5/2014 đến tháng 10/2015, Trịnh Anh Minh đã ký các hợp đồng đầu tư, chiếm đoạt của 263 bị hại với tổng số tiền hơn 229,5 tỷ đồng. Trong đó, Minh mới trả được hơn 26 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 203,5 tỷ đồng.

Để duy trì hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại, Minh dùng tiền của các nhà đầu tư sau để trả tiền gốc, lãi cho các nhà đầu tư trước và chi trả “hoa hồng” cho những người lôi kéo được khách hàng gửi tiền vào Cty Williams.

Từ ngày 11/11, TAND TP Hà Nội đưa Trịnh Anh Minh ra xét xử sơ thẩm về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau 3 ngày xử, HĐXX sơ thẩm cho rằng cần làm rõ thêm hành vi chiếm đoạt tài sản của Trịnh Anh; cần làm rõ một số bị hại (các nhà đầu tư) có trình báo cơ quan chức năng hay không. Bên cạnh đó, HĐXX thấy cần làm rõ khoản tiền hơn 100 tỷ đồng mà nhóm nhân viên của bị cáo Minh đã nhận của các nhà đầu tư và xem xét vai trò đối với một số cá nhân làm đầu mối huy động tiền cho bị cáo Trịnh Anh Minh…

Từ đó, TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND cùng cấp, đề nghị điều tra bổ sung.

Chuyên đề