Hà Nội: Cựu Hiệu trưởng trường nghề vào tù vì cấp 200 chứng chỉ cho… phạm nhân

Trong số gần 900 chứng chỉ sơ cấp nghề được Vũ Tiến Hiệp cùng đồng phạm “bán như bán rau”, có 200 chứng chỉ được cấp cho phạm nhân do công ty liên kết với trường của Hiệp để cấp.
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Ngày 3/3, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ”.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Vũ Tiến Hiệp (cựu Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội - gọi tắt là Trường), Lê Thị Nhạn (cựu cán bộ Trường), Mai Hiển Quế (trú tại xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý, Hà Nam) và Phạm Thị Phương Thanh (cựu cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Trịnh Xá).

Cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa cho thấy, Vũ Tiến Hiệp là Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội. Đây là đơn vị được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp phép hoạt động đào tạo nghề, hoạt động trên cơ chế hạch toán độc lập và được phép đào tạo, thi, kiểm tra và cấp các loại chứng chỉ sơ cấp nghề.

Đến ngày 5/8/2010, Trường không được phép cấp chứng chỉ sơ cấp nghề nữa. Tuy nhiên, với mục đích có kinh phí hoạt động, trả lương, thưởng cho nhân viên, Vũ Tiến Hiệp đã chỉ đạo Lê Thị Nhạn đưa ra các thông tin về việc nhà trường được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Từ đó, hai đối tượng cấu kết với Mai Hiền Quế, Phạm Thị Phương Thanh làm, bán chứng chỉ sơ cấp nghề cho các cá nhân qua mạng xã hội facebook.

Hiệp thuê một số người đến các công ty đã ký hợp đồng đào tạo để dạy và kiểm tra sát hạch theo nội dung hợp đồng đã ký. Sau đó, căn cứ vào danh sách mà các công ty cung cấp, Nhạn đã làm chứng chỉ sơ cấp nghề cho những người có tên trong danh sách.

Đối với các cá nhân, ai có nhu cầu làm chứng chỉ sơ cấp chỉ cần cung cấp thông tin họ tên, địa chỉ, bản photo Chứng minh thư nhân dân, ảnh cho Nhạn để Nhạn làm chứng chỉ sơ cấp nghề cho họ mà không phải qua đào tạo và thi sát hạch.

Giá mỗi chứng chỉ, các bị cáo bán từ 300.000-500.000 đồng. Ngoài ra, Hiệp và Nhạn còn làm và bán chứng nhận nâng bậc thợ với giá 50.000 đồng/bản.

Cơ quan tố tụng xác định, từ năm 2011 đến tháng 7/2017, Hiệp và Nhạn đã ký hợp đồng đào tạo với 27 công ty, doanh nghiệp cấp 857 chứng chỉ sơ cấp nghề và bán cho 127 người các chứng chỉ sơ cấp nghề, hưởng lợi hơn 1,1 tỷ đồng.

Quế và Thanh đã bán cho khoảng 30-40 người với số tiền khoảng 25-35 triệu đồng các chứng chỉ sơ cấp nghề không có giá trị sử dụng, hưởng lợi hơn 10 triệu đồng.

Bị cáo Hiệp bị xác định là người chủ mưu, trực tiếp ký hợp đồng liên kết đào tạo với các công ty, doanh nghiệp, chỉ đạo Nhạn làm và bán các chứng chỉ cấp nghề không có giá trị sử dụng.

Trong số 27 công ty, doanh nghiệp nói trên, đáng chú ý có Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ Việt Nhật. Công ty này đã liên kết với Trường để cấp chứng chỉ cho 200 phạm nhân và đã thanh toán số tiền hơn 320 triệu đồng.

Đối với 2.045 người được Trường cấp chứng chỉ, cơ quan điều tra chưa làm rõ được do một số người không có mặt tại địa phương hoặc đã chuyển khỏi nơi cư trú, không xác định được đi đâu, một số người không đủ thông tin lai lịch, địa chỉ để xác minh làm rõ.

Quá trình điều tra, gia đình bị cáo Hiệp và Nhạn mỗi gia đình đã nộp lại 510 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Vũ Tiến Hiệp 5 năm tù, Lê Thị Nhạn 4 năm tù, Mai Hiển Quế 3 năm tù và Phạm Thị Phương Thanh 2 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.

Chuyên đề