Dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc báo cáo về đấu thầu: Sẽ không còn báo cáo hình thức

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu (Dự thảo Thông tư). 
Sẽ có các chế tài xử lý vi phạm trong việc báo cáo công tác đấu thầu không đúng thời hạn, không đảm bảo nội dung theo quy định. Ảnh: Nguyễn Huyền
Sẽ có các chế tài xử lý vi phạm trong việc báo cáo công tác đấu thầu không đúng thời hạn, không đảm bảo nội dung theo quy định. Ảnh: Nguyễn Huyền

Đây được coi là giải pháp tối ưu nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh đối với tình trạng báo cáo công tác đấu thầu còn nhiều bất cập, thậm chí có nơi còn mang tính hình thức.

Quy định cụ thể hình thức, chế độ, thời hạn báo cáo

Theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư là hoạt động nhằm thực hiện quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 129 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Theo đó, Bộ đã công khai Dự thảo lần 1 và lần 2 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý cụ thể cho Dự thảo Thông tư đến trước ngày 25/7/2017.

Theo Dự thảo, bên cạnh quy định chi tiết việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu theo định kỳ hàng năm, Thông tư còn điều chỉnh chi tiết việc cung cấp các thông tin về dự án/dự toán mua sắm; kế hoạch lựa chọn nhà thầu; quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu; hợp đồng; kiến nghị; hủy thầu; các thông tin về kết quả thanh, kiểm tra về đấu thầu, xử lý vi phạm và giải quyết kiến nghị nhằm phục vụ công tác báo cáo thường xuyên.

Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu; Sở KH&ĐT, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91;  Người có thẩm quyền; chủ đầu tư; bên mời thầu.

Dự thảo Thông tư đưa ra các hình thức báo cáo. Theo đó, báo cáo thường xuyên chỉ thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu theo định kỳ hàng năm được thực hiện đồng thời bằng hai hình thức (gửi báo cáo bằng văn bản qua đường bưu điện; gửi số liệu theo định dạng chuẩn trên Hệ thống) trong thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2019.  Đáng chú ý là từ ngày 01/01/2020, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu định kỳ hàng năm chỉ thực hiện trên Hệ thống theo lộ trình quy định.

Về thời hạn báo cáo, Dự thảo Thông tư đưa ra quy định đẩy sớm thời hạn báo cáo so với thực tế triển khai những năm vừa qua. Cụ thể, “Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu theo định kỳ hàng năm được gửi tới Bộ KH&ĐT trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo”. Đồng thời, Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu định kỳ hàng năm “trước ngày 15 tháng 3 của năm tiếp theo”.

Theo Dự thảo Thông tư, Sở KH&ĐT; đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91; chủ đầu tư, bên mời thầu phải thực hiện việc báo cáo về hoạt động đấu thầu thường xuyên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ 01/01/2018.

Chấn chỉnh và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm

Thời gian qua, không ít đơn vị chưa chú trọng thực hiện nghiêm quy định về báo cáo công tác đấu thầu. Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây về báo cáo tình hình hoạt động đấu thầu năm 2016, Bộ KH&ĐT cho biết, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu tuy đã được thực hiện thường xuyên, song vẫn chưa đảm bảo yêu cầu cả về chất lượng và tiến độ… Đáng chú ý, bên cạnh nhiều bộ, ngành và địa phương thực hiện khá nghiêm túc, vẫn còn không ít đơn vị chuẩn bị báo cáo mang tính hình thức, số liệu cập nhật không chính xác. Đơn cử, số liệu tổng hợp từ báo cáo bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, có 1.955 gói thầu được thực hiện qua mạng, với tỷ lệ tiết kiệm đạt 7,29%. Trong khi số liệu tổng hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho biết, năm 2016 có 3.327 gói thầu được thực hiện đấu thầu qua mạng, với tỷ lệ tiết kiệm đạt 9%.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Dự thảo Thông tư dành một chương quy định chi tiết về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91, các chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu… về việc báo cáo công tác đấu thầu. Đồng thời, Dự thảo cũng đưa ra quy định về xử lý vi phạm trong báo cáo công tác đấu thầu.

Theo đó, sẽ có chế tài đối với những trường hợp không thực hiện báo cáo thường xuyên, hàng năm hoặc thực hiện không đúng thời hạn, không đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định. Đồng thời quy định việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương danh sách các chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan chuyên trách về đấu thầu không thực hiện đúng yêu cầu về báo cáo theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT sẽ đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia danh sách các trường hợp không thực hiện báo cáo hoạt động đấu thầu hoặc thực hiện không đúng thời hạn, không đảm bảo đầy đủ nội dung và đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Dự thảo, Thông tư khi được ban hành và có hiệu lực thi hành thì quy định về cung cấp và đăng tải thông tin đối với lựa chọn nhà thầu nêu tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC hết hiệu lực thi hành.

Chuyên đề