Doanh nghiệp kêu vướng nhiều thủ tục hải quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua thực tế triển khai Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (NĐ08) và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP (NĐ59) về thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, một số doanh nghiệp (DN) phản ánh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, địa điểm làm thủ tục xuất khẩu xăng dầu, kiểm tra trước và sau thông quan...
Dù đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan. Ảnh: LTT
Dù đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan. Ảnh: LTT

Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Điều 7.3 của NĐ08 quy định người khai hải quan không phải xuất trình bản giấy đối với các chứng từ đã được tiếp nhận, xử lý trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trừ các chứng từ phải nộp bản giấy theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),  nhiều DN phản ánh là họ vẫn phải nộp bản giấy dù đã nộp bản điện tử trên Cổng một cửa. Nguyên nhân là do các văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính được thiết kế dành cho hồ sơ giấy, chứ không tính đến việc thực hiện trực tuyến. Do đó, VCCI đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ ngành có liên quan rà soát và đưa ra danh mục các thủ tục phải nộp hồ sơ giấy, nếu không có trong danh mục này thì chỉ nộp bản điện tử.

Theo phản ánh của DN, hệ thống quản lý của cơ quan hải quan chưa tự động xoá nợ với trường hợp DN đã nộp phí hải quan cho một lần làm thủ tục đối với hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập, khiến nhiều DN bị hệ thống báo nợ phí hải quan. Do vậy, cần nâng cấp hệ thống quản lý thu phí hải quan để phân biệt được DN đã nộp, không bị báo nợ như hiện nay.

Về địa điểm làm thủ tục hải quan xuất khẩu xăng dầu, Điều 11.1 Thông tư số 69/2016/TT-BTC quy định địa điểm làm thủ tục hải quan đối với xuất khẩu xăng dầu, hóa chất, khí là Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, quy định này gây nhiều bất cập cho công tác giám sát hải quan đối với việc bơm xăng dầu, hóa chất, khí từ bồn, bể vào phương tiện. Một số trường hợp, khoảng cách giữa kho chứa (nơi cần giám sát) và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất rất lớn, thậm chí hàng trăm km, khiến cho việc thực hiện giám sát của cả cơ quan chức năng, các DN xăng dầu, hóa chất, khí và các đơn vị khác (như đơn vị cung cấp dịch vụ giám định) không thuận tiện và gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Điều 11.2 Thông tư 69/2016/TT-BTC lại cho phép các DN xăng dầu, hóa chất, khí được làm thủ tục hải quan với hàng tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu, hóa chất, khí. Thủ tục hải quan với hàng tái xuất cũng không có khác biệt đáng kể so với thủ tục xuất khẩu. Thực tế, nhiều DN cũng cho rằng địa điểm làm thủ tục hải quan với hàng tái xuất như vậy là phù hợp và tạo thuận lợi cho DN. Do đó, Tổng cục Hải quan cần nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng cho phép DN làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu, hóa chất, khí.

Về thủ tục thông báo cơ sở để gia công sản xuất hàng xuất khẩu, VCCI cũng đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu, sửa đổi quy định theo hướng trường hợp máy móc, thiết bị để gia công, sản xuất hàng thuộc diện sẽ được bên đặt gia công cho bên nhận gia công thuê mượn thì việc kiểm tra năng lực sản xuất sẽ căn cứ vào giấy tờ chứng minh (ví dụ thoả thuận cho mượn máy móc), chứ không kiểm tra thực tế.

Lý do được VCCI đưa ra là theo quy định của NĐ08, DN phải thông báo cho cơ quan hải quan trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên để thực hiện gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Một trong các nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu phải thông báo để kiểm tra trước khi làm thủ tục nhập khẩu là máy móc, thiết bị nhập khẩu do bên đặt gia công cho bên nhận gia công thuê mượn để thực hiện hợp đồng gia công.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, quy định này lại chưa phù hợp với các quy định về kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Để đáp ứng các điều kiện về miễn thuế nhập khẩu, DN phải được kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, năng lực gia công, sản xuất. Một trong các nội dung kiểm tra là quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc thiết bị... Nếu DN không chứng minh được số máy móc, thiết bị hiện có đáp ứng yêu cầu sản xuất của hợp đồng gia công sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế. Như vậy, quy định này đặt DN vào tình thế “con gà, quả trứng” do máy móc, thiết bị mà đối tác cho mượn vẫn chưa được nhập khẩu nhưng lại phải chứng minh năng lực sản xuất dựa trên số thiết bị, máy móc đó.

Chuyên đề