Định rõ vai trò của Chính phủ trong hỗ trợ DNNVV

(BĐT) - Thực tế cho thấy, phần lớn chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thời gian qua mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích, chưa có những hỗ trợ rõ ràng. Khắc phục bất cập này, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV được kỳ vọng sẽ thiết lập một hệ thống chính sách có chất lượng, hỗ trợ hiệu quả cho các DNNVV khởi nghiệp và phát triển.
Tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV thời gian qua rất chậm. Ảnh: Hồng Kỳ
Tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV thời gian qua rất chậm. Ảnh: Hồng Kỳ

Chính sách hỗ trợ còn manh mún, dàn trải

Mặc dù các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển DNNVV thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc triển khai thực hiện và tác động hỗ trợ của các chính sách này vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể là, hơn 80% các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với các DNNVV. Nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng (ví dụ, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công), dẫn đến kết quả hỗ trợ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV còn rất chậm. Thời gian trung bình để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện kéo dài tới 2 - 3 năm. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ như chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV qua hệ thống ngân hàng phát triển, chính sách hỗ trợ DNNVV trong công nghiệp hỗ trợ… còn gặp nhiều vướng mắc. Các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV cũng còn rời rạc, manh mún và dàn trải. Trong khi đó, từ phía DN, nếu muốn phát triển bền vững thì phải có cả yếu tố nguồn lực tài chính, trình độ công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường, hiểu biết pháp luật kinh doanh…

Hỗ trợ DNNVV là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia

Một điểm đáng chú ý của Luật Hỗ trợ DNNVV là trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ DNNVV phát triển được xác định rõ ràng trong Luật
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu và các quốc gia đang phát triển như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ… đều coi trọng khu vực DNNVV. Công tác hỗ trợ DNNVV đã được các quốc gia này luật hóa từ nhiều thập kỷ trước với việc sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ khối DN này.

Điểm chung của các đạo luật này là luật khung, luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV, tạo cơ sở ban hành các luật hỗ trợ DNNVV cụ thể khác như luật hỗ trợ tài chính, luật bảo lãnh tín dụng, luật thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các DNNVV và DN lớn, luật khuyến khích đầu tư… Các đạo luật đều thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo các nguồn lực tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Ở nước ta, là cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ KH&ĐT cho biết, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng Luật là đưa ra biện pháp hỗ trợ toàn diện cho DNNVV nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực DN này. Theo đó, Luật kế thừa những quy định phù hợp và khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp và phát triển DNNVV và các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới về hỗ trợ DNNVV, phù hợp với đặc điểm, nguồn lực và điều kiện của Việt Nam.

Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, một điểm đáng chú ý của Luật Hỗ trợ DNNVV là trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ DNNVV phát triển được xác định rõ ràng trong Luật. “Quy định này nhằm khẳng định, công tác hỗ trợ DNVVV được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của quốc gia”, đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh.         

Chuyên đề