Để có sự đồng bộ trong hệ thống quy hoạch

(BĐT) - Hôm nay (16/9), Dự án Luật Quy hoạch được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới. Trong bản Dự thảo cuối cùng này, vẫn còn những ý kiến trái chiều liên quan đến việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Còn ý kiến khác nhau

Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Luật Quy hoạch, quá trình soạn thảo Dự thảo Luật đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các chuyên gia, các nhà khoa học và sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội. Hầu hết các ý kiến tham gia đều thống nhất cao về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu và những nội dung cơ bản của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh và hệ thống quy hoạch.

Đơn cử, về phạm vi điều chỉnh, ông Các cho biết: “Nhiều ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch sẽ điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch để khắc phục tình trạng quy hoạch mâu thuẫn và chồng chéo như hiện nay, trừ quy hoạch đô thị. Nhưng một số ý kiến khác cũng đề nghị nhất thể hóa Luật Quy hoạch với Luật Quy hoạch đô thị, đồng thời xác định rõ Luật Quy hoạch điều chỉnh cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị để hệ thống quy hoạch của Việt Nam từ cấp Trung ương đến cấp xã có tính thống nhất”.

Liên quan đến hệ thống quy hoạch, đa số ý kiến thống nhất với hệ thống quy hoạch đã được quy định trong Dự thảo Luật, gồm: quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, một số thành viên của Chính phủ vẫn bày tỏ quan ngại về tính khả thi của việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia. 

Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch

Chuyển tải quan điểm của Ban soạn thảo, ông Các cho biết, tiếp thu đa số các ý kiến, Dự thảo Luật đã bổ sung phạm vi điều chỉnh theo hướng luật chung để điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch; hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch... Quy hoạch đô thị phải tuân thủ các quy định khung của Luật Quy hoạch; còn nội dung, phương pháp lập quy hoạch đô thị sẽ tuân theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Đối với hệ thống quy hoạch, theo quan điểm của Ban soạn thảo, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là yêu cầu khách quan, khoa học và hoàn toàn khả thi. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch quốc gia.

Qua tổng kết công tác quy hoạch ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch, Ban soạn thảo cho rằng, quy hoạch tích hợp là một cách tiếp cận khoa học, phổ biến hiện nay trên thế giới, phù hợp để áp dụng ở Việt Nam. Việc tích hợp quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh vào quy hoạch vùng sẽ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển không gian giữa các ngành trên một vùng lãnh thổ. Đối với chức năng đặc thù, các khu vực này cần được quy hoạch, thiết kế và quản lý theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của ngành, lĩnh vực. Do đó, sẽ phù hợp hơn khi tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư của khu chức năng đó tổ chức lập quy hoạch dưới dạng dự án quy hoạch chung, phân khu, chi tiết theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.  

Chuyên đề