Đại án VNCB: Tranh luận về số tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ

Chiều 17/12, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại diện Viện kiểm sát và nguyên đơn dân sự cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB có nguồn gốc bất hợp pháp và không phải là của Phạm Công Danh. Số tiền này cũng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB, không phải vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi trả cho Phạm Công Danh.

Hơn nữa số tiền này cũng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB vì ngân hàng nhà nước không chấp nhận việc dùng tiền vay để tăng vốn điều lệ nên không có cơ sở pháp lý buộc CB trả lại số tiền này cho Phạm Công Danh. Đại diện Viện kiểm sát cũng cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng không phải là vật chứng của vụ án như án sơ thẩm nhận định nên không có cơ sở thu hồi.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB có nguồn gốc bất hợp pháp và không phải là của Phạm Công Danh.

Đối đáp lại quan điểm này, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng, Phạm Công Danh đã chuyển cho VNCB để nâng vốn điều lệ và VNCB đã sử dụng số tiền này. Cụ thể, số tiền này có nguồn gốc từ vốn vay 4.000 tỉ đồng của BIDV, 250 tỉ đồng của TPBank 250 tỉ đồng của VNCB. Số tiền này dùng để tăng vốn điều lệ VNCB, mở tại Agribank Chi nhánh Tân Phú, sau đó được ông Danh chuyển về tài khoản của VNCB mở tại Liên Việt Postbank và chuyển tiếp về tài khoản của VNCB tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Theo luật sư, không có kết luận nào cho rằng nguồn gốc số tiền này là khống hay trái pháp luật. Hơn nữa, cho dù các quan hệ tín dụng bị coi là trái pháp luật thì thực tế nguồn tiền để góp vốn là có thật, không chỉ thuộc sở hữu và trách nhiệm của cá nhân Phạm Công Danh, mà còn của các cổ đông khác.

Ngoài ra, Phạm Công Danh không sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân mà sử dụng vào hoạt động của VNCB. Cụ thể, ông Danh sử dụng 1.851 tỉ đồng để tăng dư nợ cho vay khách hàng đồng, 2.931 tỉ đồng để tăng các khoản phải thu đồng, 440 tỉ đồng để trả nợ vay Ngân hàng Nhà nước, 1.351 tỉ đồng để trả tiền gửi/tiền vay cho các tổ chức tín dụng khác, 121 tỉ đồng để trả tiền gửi khách hàng 121 tỉ đồng, 809 tỉ do lỗ hoạt động kinh doanh phát sinh trong kỳ...

Từ đó, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng CB phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền này cho các cổ đông.

Còn Phạm Công Danh cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng hiện còn trên hệ thống của CB.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng bản thân ông và các bị cáo không sử dụng số tiền trên vì mục đích cá nhân, mà tất cả vì lợi ích của VNCB. Cụ thể là dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng. Do vậy ông mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt và để bị cáo khắc phục hậu quả.

Phạm Công Danh cũng yêu cầu CB trả 3.658 tỉ đồng và lãi phát sinh cho ông Danh vì trước đó khi mua lại ngân hàng Đại Tín, ông Danh đã chuyển số tiền này để nhận 114 bất động sản của nhóm Phú Mỹ nhưng không nhận được tài sản.

Ngoài ra, cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB cũng yêu cầu thu hồi nhiều khoản khác từ các cá nhân, tổ chức liên quan.

Các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng Phạm Công Danh nộp vào để tăng vốn điều lệ vẫn còn trong ngân hàng. Bên cạnh đó, những bị cáo này cho rằng vụ án này tách ra thành 2 giai đoạn là bất lợi cho bị cáo vì cùng 1 hành vi bị xét xử 2 lần. Từ đó đề nghị HĐXX trả lại số tiền này cho Phạm Công Danh để khấu trừ thiệt hại của vụ án.

Các bị cáo còn lại trong vụ án, trình bày các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân các bị cáo vốn là bảo vệ, lao công, rửa xe của tập đoàn Thiên Thanh mọi hoạt động của công ty các bị cáo không được tham gia…. Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét cho được hưởng án treo.

Ngày 18/12, phiên tòa tiếp tục tranh luận.

Chuyên đề