Đại án Oceanbank: “Nếu che giấu, cơ quan điều tra không phát hiện 1.500 tỷ đồng chi lãi ngoài”

Cựu kế toán trưởng Oceanbank cho rằng, nếu thực sự muốn che giấu số tiền 1.500 tỷ đồng chi lãi ngoài cơ quan điều tra không phát hiện và không có bằng chứng rõ ràng như vậy.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga.

Chiều 7/9, phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm bước sang phần thẩm vấn các bị cáo nguyên là lãnh đạo Khối/Ban nghiệp vụ Hội sở và 34 bị cáo là nguyên giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch Oceanbank.

Theo cáo trạng, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm đề ra chủ trương chi ngoài lãi suất trên toàn hệ thống. Theo chủ trương và chỉ đạo của Thắm, lãnh đạo các khối/ban nghiệp vụ thuộc Hội sở và 34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh/phòng giao dịch đã thực hiện chi lãi ngoài khi huy động vốn.

Sai phạm các bị cáo là vi phạm trần lãi suất và quy định chứng từ, kế toán.

Tổng số tiền Oceanbank chi lãi ngoài từ năm 2010-2014 là 1.576 tỷ đồng. Trong đó có 246 tỷ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank. Hậu quả còn lại là 1.329 tỷ đồng được xác định là hành vi cố ý làm trái của Hà Văn Thắm và các đồng phạm.

34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh/phòng giao dịch bị cáo buộc tiếp nhận chủ trương từ Hội sở, sau đó phân công, chỉ đạo nhân viên tại chi nhánh chi lãi ngoài cho khách hàng. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ số tiền do đơn vị mình phụ trách đã chi sai nguyên tắc. Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới bồi thường đối với số tiền thiệt hại chưa thu hồi.

Trả lời thẩm vấn luật sư, bị cáo Trần Anh Thiết –  nguyên giám đốc chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Thành Công khai nhận, trước khi về chi nhánh, việc chi lãi ngoài đã xảy ra. Quá trình làm giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch, bị cáo khẳng định không nhận tiền và chi lãi ngoài. Với ý thức người đứng đầu chi nhánh, bị cáo gặp gỡ khách hàng thuyết phục họ nộp lại tiền.

Tại chi nhánh của bị cáo có 3 doanh nghiệp nộp lại 1,7 tỷ đồng. Bị cáo Thiết bỏ tiền túi khắc phục số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Còn bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Trưởng ban tài chính kế toán), bị cáo buộc chịu trách nhiệm liên đới số tiền 175,9 tỷ đồng, cho rằng “đây là con số rất ép cho bị cáo”.

Theo bị cáo, phương pháp tiếp cận của cơ quan điều tra không thể hiện đúng bản chất con số. Bị cáo khẳng định chỉ ký giấy tạm ứng số tiền 4 tỷ đồng. Số tiền còn lại, bị cáo hoàn toàn không ký xác nhận.

“Trong vụ án kinh tế nếu không xét chứng từ, kế toán không minh bạch được. Nếu căn cứ theo chứng từ, kế toán, bị cáo không liên quan đến con số hơn 175 tỷ đồng. Bị cáo đã giải thích với cơ quan điều tra số tiền 109 tỷ đồng tạm ứng trong giai đoạn ban kế toán thực hiện chi đã được hoàn ứng bằng tiền mặt. Vậy tại sao hoàn ứng lại vẫn quy thiệt hại".

"Nếu thực sự muốn che giấu số tiền 1.500 tỷ đồng chi lãi ngoài theo thông lệ ngoài xã hội như hiện nay, cơ quan điều tra không phát hiện và không có bằng chứng rõ ràng như vậy”, cựu kế toán trưởng Oceanbank kêu oan.

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam – nguyên Giám đốc Khối Nguồn vốn Oceanbank khẳng định cán bộ Oceanbank không ai cố tình làm trái để làm hại nơi đã gắn bó.

Về mặt số liệu, trong các năm 2011, 2012, 2013, Oceanbank đều ghi nhận lãi và trả cổ tức cho cổ đông, nộp ngân sách nhà nước và được đánh giá thành tích.

“Nếu hành vi chi lãi suất ngoài huy động vốn là vi phạm pháp luật thì số tiền các cổ đông và nộp tiền ngân sách là số tiền vi phạm, cần thu hồi để bù lại", bị cáo Nam nói.

Cựu lãnh đạo Oceanbank cũng cho rằng, theo chức năng của Khối Nguồn vốn rà soát, tổng hợp, kiểm tra được xem là bộ lọc giúp giảm rủi ro cho ngân hàng.

Chuyên đề