Cựu thượng tá Út 'Trọc' bị bác đơn kêu oan, phạt 12 năm tù

Chiều nay, Tòa án quân sự trung ương tuyên bố không chấp nhận kháng cáo của ông Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc").
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau ba ngày xét xử (30-31/10 và 1/11), TAND quân sự trung ương khẳng định bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc", cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) đã phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức, đúng như quy kết của án sơ thẩm. Ông Hệ bị phạt lần lượt 10 năm và hai năm tù, tổng hợp hình phạt là 12 năm.

Tòa phúc thẩm cũng bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phùng Danh Thắm (cựu đại tá, cựu tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tương tự, bị cáo Trần Văn Lâm (cựu tổng giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) cũng không được giảm án, tiếp tục bị phạt phạt năm năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bản án phúc thẩm cấm bị cáo Hệ đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp 4 năm sau thi hành xong bản án; với Lâm và ông Thắm lần lượt là ba và hai năm.

Theo tòa, từ năm 2010 đến năm 2016, lợi dụng danh nghĩa người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, ông Hệ đã đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có, đăng ký sử dụng xe ôtô quân sự và xe biển xanh.

Sau khi mua, đăng ký 23 xe biển quân sự; 15 xe biển xanh 80A và một số biển xanh 80M, bị cáo Hệ trực tiếp hoặc chỉ đạo Lâm ký hợp đồng thế chấp cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền. Tổng cộng  29/38 xe biển quân sự, biển xanh 80A được thế chấp cho các ngân hàng

Trong khi đó, số xe công ty cho thuê thu đã thu về hơn 6 tỷ đồng. Theo tòa, việc làm của ông Hệ đã gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và quân đội.

Cuối năm 2012, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4 để cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu.

Ngày 23/6/2014, tổ công tác liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu, lập biên bản về việc thiếu giấy chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu và lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Biết việc này, bị cáo Hệ đặt vấn đề với ông Bùi Văn Tiệp (sư đoàn trưởng 367) để được giúp đỡ. Hai bên làm giả hợp đồng số lượng gần 21.000 lít xăng dầu là của quân đội.

Về hành vi sử dụng bằng giả, tòa nhận định, năm 2000, bị cáo Hệ mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp giả ĐH Kinh tế quốc dân, chuyên ngành quản trị. Trong nhiều năm, bị cáo đã dùng giấy tờ giả này để đưa vào hồ sơ xét nâng lương, thăng quân hàm tới thượng tá.

Chuyên đề