Cựu đại úy biên phòng khai thác gỗ ở Lào nhưng 'nhầm rừng Việt Nam'

Bị cáo Chính chủ mưu vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam khai "thuê Quang khai thác gỗ bên Lào chứ không bảo lấy gỗ ở Việt Nam".
Bị cáo Nguyễn Văn Quang.
Bị cáo Nguyễn Văn Quang.

Ngày 20/1, Toà án quân sự khu 1 (Quân khu 5) tại Quảng Nam tiếp tục phần xét hỏi vụ án 21 người bị truy tố tội Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng, theo điều 175 Bộ luật Hình sự.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Quang khai được Lê Xuân Chính (nguyên đại úy, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang) và Tiêu Hồng Tư, Giám đốc Công ty CP Minh Hà (ở Đà Nẵng) thuê tìm kiếm gỗ pơ mu và khai thác.

Khi phát hiện khu rừng có gỗ quý, Quang dùng điện thoại quay phim, chụp hình mang về cho Chính xem. Quang mô tả cánh rừng này cách cột mốc 717 chừng 6-7 km, nằm bên đường công vụ khoảng 200-300 m.

Hai bên thỏa thuận giá 8 triệu đồng một mét khối cưa xẻ đưa ra đến đường bốc lên xe tải. Chính “tham khảo” Tư xem mua được không và bày cho cách cưa xẻ gỗ đúng quy cách. Tư đồng ý giúp Chính, đồng thời cho người của mình vào rừng kiểm tra nơi Quang đang khai thác gỗ.

Sau đó, Tư chuyển trước cho Quang 200 triệu đồng. Quang dùng số tiền này chi trả cho nhóm vận chuyển 120 triệu đồng; nhóm khai thác 45 triệu đồng. Còn lại, Quang dùng mua xăng, nhớt phục vụ việc khai thác.

Bị cáo Lê Xuân Chính phủ nhận những lời khai của Quang.

“Bị cáo biết việc khai thác gỗ không có giấy phép nhưng có anh Tư và Chính “bảo kê”. Bị cáo tin tưởng hai người đứng ra lo mọi việc nên mới dám khai thác gỗ”, Quang nói và cho biết thêm vị trí khai thác gỗ do Chính và Tư quyết định.

Theo lời Quang, khi vụ việc bị phát giác, Chính thu xếp cho Quang trốn qua Lào, cung cấp tiền, ngày nào cũng gọi bảo phải trốn 3-5 năm và dặn khi bị bắt thì nhận trách nhiệm, đừng khai ra Chính, vợ con ở nhà đã có Chính lo.

Tại tòa, bị cáo Chính phủ nhận lời khai của Quang. Chính thừa nhận có thuê Quang khai thác gỗ, tuy nhiên Chính nói với Quang là khai thác gỗ ở Lào, tuyệt đối không được khai thác ở Việt Nam.

“Việc khai thác gỗ bên Lào tôi có quen biết người bên đó, nếu có bị phát hiện thì tôi xin được”, Quang khai khi tòa hỏi vì sao khai thác gỗ ở bên Lào.

Nói về vị trí khai thác nằm trong vùng quản lý của biên phòng, nơi Chính làm đồn phó, Chính cho biết chưa lần nào vào vị trí Quang chặt gỗ. “Quang nói với bị cáo rừng pơ mu nằm sâu trên đất Lào nên mới thống nhất khai thác. Tôi chỉ biết vị trí khai thác ở Việt Nam khi cơ quan chức năng phát hiện. Còn nếu biết khai thác ở Việt Nam tôi sẽ không nói Quang làm”, Chính trần tình.

Cựu đại úy biên phòng nói tiếp, vì quá tin tưởng Quang là người thường đi rừng đặt bẫy thú nên biết vị trí rừng ở bên Lào. "Việc tôi giúp Quang trốn sang Lào không sai pháp luật, vì lúc này Quang chưa phải là người phạm tội", Chính nói và cho rằng công dân thì xuất nhập cảnh bình thường.

Bị cáo Tiêu Hồng Tư cho rằng mình quen biết với Chính nên giúp người này chứ không liên quan đến phá rừng.

Bị cáo Tư khai, ông hay qua lại cửa khẩu Nam Giang nhập khẩu gỗ từ Lào nên quen biết Chính. Khi Chính hỏi về quy cách xẻ gỗ và nhờ kiểm tra khu vực Quang khai thác nên đã giúp sức, chứ không tham gia phá rừng.

"Còn khoản tiền tôi chuyển cho Quang là trước đây có mượn Chính 2,2 tỷ đồng. Khi Quang gọi hỏi tiền, tôi nghĩ Chính e ngại không dám đòi nên Quang gọi, tôi đưa cho Quang để trả nợ cho Chính", ông Tư khai.

Liên quan đến vụ án, 18 bị cáo khai việc vào khu vực biên giới nhưng không bị biên phòng kiểm tra, kiểm soát là có Chính lo. Họ đi lại trong khu vực này nhưng không gặp cản trở nào.

Dự kiến phiên tòa kéo dài đến thứ hai 22/1.

Theo cáo buộc, cuối tháng 3/2016, đại úy Chính có quan hệ thân thiết với Tiêu Hồng Tư, Giám đốc công ty cổ phần Minh Hà, Đà Nẵng. Công ty của Tư thường xuyên nhập khẩu gỗ từ Lào.

Tháng 5/2016, Quang rủ Nguyễn Văn Thắng, Lê Trọng Dương và Mai Văn Cường (quê ở Quảng Bình) đi theo đường công vụ biên phòng và phát hiện cánh rừng gỗ pơ mu. Họ thông báo cho Chính biết địa điểm này.

Ông Chính thỏa thuận với Quang rằng gỗ xẻ thành phách vận chuyển ra đến đường cho lên xe tải sẽ có giá 8 triệu đồng một mét khối. Trên cơ sở này, Quang thuê hàng chục người ở Quảng Bình vào khai thác gỗ. Vụ phá rừng đã chặt hạ 41 cây gỗ pơ mu với khối lượng hơn 53 mét khối.

Nhà chức trách xác định, Chính là người có vai trò khởi xướng, là người quyết định trong việc khai thác vận chuyển gỗ pơ mu trái phép. Quang có hành vi trực tiếp khảo sát, thuê người, điều hành việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép cho Chính. Còn Tư là người đã đồng tình, thỏa thuận với Chính và Quang về việc khai thác gỗ, hướng dẫn quy cách gỗ, chuyển tiền cho Quang chi phí khai thác gỗ.

Chuyên đề