Chuẩn bị xử đại án Oceanbank

(BĐT) - Từ ngày 27/2, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ đưa đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ra xét xử. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 20 ngày. Tham gia tố tụng có khoảng 30 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, nguyên đơn dân sự.
19 doanh nghiệp thừa nhận có nhận tiền lãi ngoài mà Oceanbank chi trả. Ảnh: Mai Quân st
19 doanh nghiệp thừa nhận có nhận tiền lãi ngoài mà Oceanbank chi trả. Ảnh: Mai Quân st

Nhiều vi phạm dẫn đến nợ xấu toàn hệ thống

Có tổng cộng 48 bị cáo bị truy tố về các tội danh như vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị can chủ mưu Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, quê Bắc Giang - nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) bị truy tố cả 3 tội danh trên, sẽ phải đối diện mức án cao nhất là 30 năm tù.

Kết quả điều tra cho thấy, Oceanbank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng với hơn 1.100 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 20% cổ phần; Công ty CP Tập đoàn Đại dương (OGC) chiếm 20%; Công ty TNHH VNT chiếm 20%; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng sông Đà chiếm 6,65%. Bị can Hà Văn Thắm đã sử dụng những công ty và cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp để nắm giữ 62,97% cổ phần tại Oceanbank.

Quá trình chỉ đạo điều hành các nghiệp vụ ngân hàng, bị can Hà Văn Thắm đã để xảy ra nhiều vi phạm dẫn đến nợ xấu toàn hệ thống chiếm đến hơn 49% tổng dư nợ, lỗ hơn 10.100 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. Đến tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình thành ngân hàng thương mại TNHH MTV.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cáo buộc Hà Văn Thắm và Ban Tổng giám đốc Oceanbank qua các thời kỳ, lãnh đạo khối nghiệp vụ, lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch… đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Oceanbank xảy ra hiện tượng thu phí ngoài của khách hàng vay vốn và mua ngoại tệ. Trước đây, trên thị trường đã có thông tin về việc các khách hàng phải chịu lãi suất vay vốn rất cao được ngân hàng hợp thức hóa dưới hình thức chi phí tư vấn. Tài liệu tố tụng của vụ án cho thấy ít nhất việc này có xảy ra ở Oceanbank và được triển khai trên toàn hệ thống của ngân hàng này. 

Chi lãi ngoài cho các doanh nghiệp dầu khí

Bị can Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank đã bàn bạc với Hà Văn Thắm về việc chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi theo quy định trong hợp đồng đối với các khách hàng là doanh nghiệp thuộc “họ” dầu khí.

Để có nguồn tiền chăm sóc nhóm khách hàng này, Hà Văn Thắm đã tính cách thu phí dịch vụ đối với các khách hàng muốn được vay vốn từ Oceanbank. Công ty CP BSC do Hà Văn Thắm thành lập được sử dụng để thực hiện việc ký các hợp đồng tư vấn và thu phí.

Thực tế, các khách hàng không có nhu cầu cung cấp dịch vụ gì và Công ty BSC cũng không cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, các khách hàng vẫn phải ký hợp đồng để được vay vốn hoặc mua ngoại tệ và Oceanbank hợp thức được việc thu phí. Tổng số tiền Công ty BSC thu được lên tới hơn 70 tỷ đồng. Số tiền này được giao cho một thành viên Ban kiểm soát Oceanbank quản lý và mỗi khi Nguyễn Xuân Sơn có nhu cầu về tiền, Hà Văn Thắm chỉ đạo thành viên này chi tiền cho Sơn với tổng số tiền hơn 69 tỷ đồng.

Một mặt Oceanbank thu phí ngoài đối với các khách hàng có nhu cầu vay vốn. Một mặt, Oceanbank chi lãi ngoài cho các doanh nghiệp thuộc “họ” dầu khí với mức chi trung bình là 1% trên số dư tiền gửi bình quân năm của PVN và các công ty thuộc Tập đoàn. Thực hiện chủ trương này, dàn cán bộ lãnh đạo Oceanbank đã thực hiện chi lãi ngoài vượt trần lãi suất huy động vốn trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Việc này gây ra thiệt hại hơn 1.570 tỷ đồng cho Oceanbank.

Thống kê của cơ quan điều tra cho thấy, từ năm 2011 - 2014 có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceabank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceabank chi trả. Trong số khách hàng VIP của Oceabank thời điểm đó có Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP).

Một số doanh nghiệp khác nhận lãi ngoài như Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau và Ban Quản lý Khí điện đạm Cà Mau 16,7 tỷ đồng; Công ty Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước – PVEP POC 6 tỷ đồng; Công ty Tàu và Công ty Cảng dịch vụ dầu khí 2,3 tỷ đồng; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại 8,3 tỷ đồng…

Cơ quan điều tra đã có công văn gửi đến 362 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceabank giai đoạn 2011 - 2014. Đến nay, có 19 doanh nghiệp thừa nhận có nhận tiền lãi ngoài và nộp lại số tiền 3 tỷ đồng. 124 doanh nghiệp khẳng định không nhận lãi tiền chi lãi ngoài; còn 249 doanh nghiệp chưa có văn bản trả lời.

Chuyên đề