Chưa chỉ rõ địa chỉ tham nhũng

(BĐT) - Cho ý kiến đối với Báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phòng chống tham nhũng ở các ngành, địa phương. Ảnh: Tiên Giang st
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phòng chống tham nhũng ở các ngành, địa phương. Ảnh: Tiên Giang st

Cần có thay đổi đột phá, đánh giá thực chất tình hình tham nhũng và thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của vấn nạn này.

Tham nhũng chưa bị đẩy lùi

Báo cáo tóm tắt công tác PCTN năm 2016 của Chính phủ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, năm 2016, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.640 cuộc thanh tra hành chính và 199.756 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 271.525 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2015); Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 306 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 20.432 tỷ đồng.

Về việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Từ 1/10/2015 đến 31/7/2016, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội về tham nhũng. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng và 838m2 đất, đã thu hồi 92,460 tỷ đồng và kê biên 7 bất động sản. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.

Chính phủ đánh giá, công tác PCTN đã có sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên là do tham nhũng có nội hàm rộng, đa dạng và phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật và hầu hết các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mới tập trung thực hiện ở khu vực công và đối với người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, các mối quan hệ kinh tế - xã hội làm nảy sinh tham nhũng lại rất phức tạp, không chỉ bó hẹp trong khu vực này.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định nguyên nhân chủ quan chủ yếu vẫn là do một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm, bao che cho tham nhũng. Việc quán triệt, chấp hành các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều quy định qua quá trình thực hiện, sơ kết, tổng kết đã bộc lộ hạn chế, bất cập nhưng việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục còn chậm. Cơ chế, biện pháp, trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN thiếu tính khả thi, chưa làm rõ được những nơi chưa thực hiện tốt các quy định của Luật PCTN, chưa gắn kết việc đánh giá công tác PCTN với việc đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu. 

Chỉ ra địa chỉ cụ thể của tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.
Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) nhấn mạnh, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ công tác PCTN. Năm 2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Song, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP cho biết, nhiều tồn tại, hạn chế đã được UBTP nêu ra từ những năm trước nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

UBTP cho rằng, việc đánh giá đúng về tình hình tham nhũng có ý nghĩa quyết định trong việc đề ra các giải pháp PCTN. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá vẫn cơ bản như các năm 2013, 2014, 2015: “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”. Đáng lưu ý, trong 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước, trong khi đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, trong nhiều năm các báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”…

Bà Nga cho rằng, để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến, gần đây, Chính phủ có định hướng xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo và phát triển… “Nhưng nếu đã nói Chính phủ liêm chính thì Báo cáo của Chính phủ phải thể hiện rõ nội hàm liêm chính để những giải pháp thể hiện được quyết tâm” – ông Giàu khẳng định quan điểm.

Chuyên đề