Chính sách nào thúc đẩy phát triển kinh tế nền tảng?

(BĐT) - Không chỉ dừng lại ở một câu chuyện dịch vụ vận tải công nghệ Grab, Uber được dư luận nhắc đến rất nhiều trong thời gian vừa qua, mà các mô hình mua sắm trực tuyến như  Tiki, Lazada; hay mô hình kết nối nhà cho thuê Airbnb, đặt phòng khách sạn Agoda, Traveloka... đang đặt ra nhiều vấn đề về xu hướng chính sách để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nền tảng (KTNT), vừa có sự điều tiết thị trường phù hợp, đảm bảo tính công bằng trong xã hội.
Cần có cách tiếp cận thống nhất và cởi mở hơn đối với mô hình kinh tế nền tảng.
Cần có cách tiếp cận thống nhất và cởi mở hơn đối với mô hình kinh tế nền tảng.

Nở rộ kinh tế nền tảng dựa trên hạ tầng kỹ thuật số

Có thể thấy thời gian gần đây, hàng loạt dịch vụ ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực thao tác trên điện thoại thông minh, mạng Internet “đổ bộ” vào Việt Nam và được rất nhiều người dùng lựa chọn sử dụng với tốc độ phát triển “chóng mặt”.

Đơn cử như Uber, từ khi bắt đầu đặt chân vào Việt Nam tháng 6/2014 đến tháng 4/2018, số lượng xe công nghệ, tài xế và người dùng tăng lên vùn vụt. Mặc dù liên tiếp vấp phải sự phản ứng của các hãng taxi truyền thống, theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, chỉ riêng trong 2 năm thí điểm xe công nghệ, mỗi ngày có khoảng 50 ô tô dưới 9 chỗ gia nhập Uber, Grab, tương ứng với trên 36.000 xe.

Tương tự, tại thời điểm chuyển nhượng cổ phần của Uber vào tháng 4/2018, Grab (trụ sở tại Singapore) có giá trị thị trường khoảng 6 tỷ USD và nhận được 90 triệu lượt tải xuống ứng dụng, cũng như 5 triệu tài xế ở 195 thành phố tại các quốc gia Đông Nam Á...

Hay như Airbnb, kể từ khi có mặt tại Việt Nam đến nay, trong gần chục năm, công ty công nghệ này đã có hàng chục nghìn cơ sở lưu trú tại Việt Nam đăng ký sử dụng công nghệ và kinh doanh. Trao đổi với Báo Đấu thầu, một người cho thuê (host) cho biết, dịch vụ này rất hữu ích, giúp các bên tìm đến nhau, từ người có nhu cầu cho thuê nhà, phòng nhàn rỗi, cho đến người muốn thuê. Dịch vụ này có mạng lưới kết nối rộng khắp toàn cầu, với giá cả hợp lý, thời gian linh hoạt và còn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị về phong tục, tập quán của người dân địa phương...

Tránh khiên cưỡng áp quy định cũ vào mô hình mới

Khẳng định đây là xu thế chung của thế giới, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam không thể đảo ngược xu thế và nhất định cần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng, để tránh khiên cưỡng áp quy định cũ vào mô hình mới. Từ kinh nghiệm quốc tế hay bài học của Uber, Grab tại Việt Nam cho thấy, phần lớn các nước trong khu vực không coi nền tảng kết nối xe là dịch vụ vận tải. Việc coi nền tảng kết nối là dịch vụ vận tải sẽ gây tác động tới phát triển nền tảng, làm giảm thế mạnh của các đơn vị công nghệ là xử lý hệ thống dữ liệu lớn và kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đề xuất phương tiện và giá cả. Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hợp lý. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một kênh liên lạc đơn thuần. Quy định này sẽ gây tác động tiêu cực tới cả các nền tảng trong nước (VATO, EMDDI, GONOW của Viettel, T.Net của FPT...), lẫn nền tảng ngoại (Grab, Fastgo...).

Đồng thuận với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cách tiếp cận thống nhất và cởi mở hơn đối với mô hình KTNT. Theo ông Vũ Tú Thành - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, nếu dùng quy định hiện có về loại hình xe ô tô chạy hợp đồng để quản lý các mô hình mới phát triển như dichung.vn (kết nối đi chung xe) là không phù hợp.

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế thuộc Viện Nhà nước và Pháp luật, KTNT là hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên các hạ tầng kỹ thuật số. Sự xuất hiện của các dịch vụ trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các dịch vụ kết nối, trung gian cũng gây ra nhiều tranh cãi, thách thức cho các nhà quản lý, giới học thuật về bản chất, phân loại hàng hóa, dịch vụ, quy chế pháp lý đối với thương nhân, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng, quản lý thuế, kiểm soát các điều kiện giao dịch chung... Ứng xử của các quốc gia hiện nay đối với các dịch vụ mới trong khuôn khổ WTO còn mơ hồ, chưa hoàn thiện, và phụ thuộc nhiều vào các cuộc đàm phán thương mại cũng như bối cảnh tại từng quốc gia. Tuy nhiên, chắc chắn có một điều được thừa nhận rộng rãi rằng, các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn để đầu tư. Đây cũng chính là lý do để KTNT có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Dương cũng lưu ý, trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm của các bên, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch.

Với tốc độ phát triển nhanh của KTNT, có ý kiến cho rằng, chuyện thu thuế của Airbnb là điều không tưởng. Đằng sau 1 thông báo qua email của Uber về việc hợp nhất các hoạt động của Uber Việt Nam và Đông Nam Á với Grab là hàng chục nghìn tài xế bỗng dưng bị bỏ rơi mà không biết kêu ai, chưa kể khoản thuế rất lớn chưa thể truy thu. Theo cơ quan thuế TP.HCM, số thuế phải truy thu từ Uber là 66,68 tỷ đồng, thế nhưng Uber mới nộp được khoảng 13 tỷ đồng...

Cứ mỗi giao dịch thành công, Airbnb sẽ tự động thu phí cả hai phía, người cho thuê và người thuê. Mỗi khách thuê phải chi từ 10 - 15%/lần đặt nhà/phòng. Mỗi lần giao dịch thành công, chủ nhà sẽ chi khoảng 3%. Tuy nhiên, hiện chưa thu được đồng thuế thu nhập cá nhân, tổ chức kinh doanh nào trên Airbnb.

Tuy nhiên, ông Thành lại bày tỏ lạc quan rằng, việc thu thuế các giao dịch thương mại trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số như trên là không khó. Nếu như tất cả giao dịch đều thanh toán điện tử thì gần như đều có thể kiểm soát được, ngoại từ giao dịch tiền mặt.

Chuyên đề