Chiếm dụng tài khoản ở Chứng khoán Tràng An: 8 năm chưa có hồi kết

Sự việc phát sinh từ năm 2010 và đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy vụ việc sớm được giải quyết. Trong khi đó, nhà đầu tư bị phong tỏa tài khoản, chịu thiệt thòi trong giai đoạn thị trường chứng khoán tăng điểm liên tục.
Chiếm dụng tài khoản ở Chứng khoán Tràng An: 8 năm chưa có hồi kết

Ông Trần Quốc Việt (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ông có một tài khoản giao dịch chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS) với gần 200.000 cổ phiếu D2D đang bị phong tỏa nhiều năm và chưa biết bao giờ mới được giải quyết. Với giá cổ phiếu D2D hiện trên 60.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị tài khoản vào khoảng 13 tỷ đồng, nhưng ông Việt không thể giao dịch, mua bán để thu hồi vốn.

Được biết, năm 2008, vợ chồng ông Việt mỗi người mở một tài khoản giao dịch tại TAS, thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán bình thường, có lời, có lỗ. Đến năm 2009, ông chuyển hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản để mua bán chứng khoán.

Đến năm 2010, TAS mời ông Việt ra đối chiếu giao dịch mua bán, lúc này ông mới tá hỏa vì bỗng dưng có số nợ vay trên 7 tỷ đồng. Theo ông Việt, số liệu do Công ty cung cấp không đúng, một số cổ phiếu ông không hề mua hoặc có mua thì số lượng ít hơn so với bản sao kê tài khoản. Việc này khiến ông Việt rất bức xúc bởi Công ty đã tự ý sử dụng tài khoản của ông để mua bán chứng khoán rồi lại quay ra đòi tiền.

“Khi mua bán chứng khoán, tôi có được Công ty cấp tín dụng với số tiền 3 tỷ đồng, nhưng tôi đã trả hơn 1 tỷ dồng, còn nợ lại 1,9 tỷ đồng. Số nợ này, Công ty có thông báo, có email còn lưu lại”,  ông Việt cho biết.

Trước sự việc này, ông Việt đã phản ứng với Công ty và quá trình trao đổi qua lại, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (Kế toán trưởng) thừa nhận, Công ty đã mua 147.000 cổ phiếu KKC trên 2 tài khoản của vợ chồng ông với giá trị giao dịch khoảng 6,3 tỷ đồng và mua 50.000 cổ phiếu D2D. Trong đơn thư gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Việt cho biết, bà Lan hứa hẹn thời điểm thuận lợi sẽ tất toán số cổ phiếu và không ảnh hưởng đến hai tài khoản của ông Việt.

Ông Việt cho biết vẫn còn lưu giữ các bản trích xuất email và tài khoản trong máy tính thể hiện một số giao dịch mà TAS đã tự ý chuyển tiền mua – bán, thu hồi nợ trên hai tài khoản.

Cũng theo ông Việt, ông và một số nhà đầu tư đã gay gắt yêu cầu Chứng khoán Tràng An làm rõ việc tự mua bán và trả lại tiền, chứng khoán trên các tài khoản của mình. Nhưng Công ty đều khất, hứa hẹn đang đối chiếu, đang xác minh số liệu và đề nghị nhà đầu tư chờ thêm thời gian nữa.

Dù ông Việt nhiều lần yêu cầu xác nhận mua bán, vay nợ, chốt công nợ trên tài khoản để giải quyết nhưng Công ty đều viện lý do thoái thác và đến nay hai bên chưa có biên bản đối chiếu, xác nhận nào.

Đến năm 2012, tình hình TAS xấu đi. Công ty bị đình chỉ tạm thời rồi bị ngừng hoạt động, rút giấy phép hoạt động lưu ký chứng khoán. Đầu năm 2013, Tổng giám đốc Lê Hồ Khôi bị bắt, tiếp đó nhiều cá nhân khác như bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (Kế toán trưởng), Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc giao dịch... bị khởi tố, điều tra, bắt tạm giam.

Sự việc kéo dài và ông Việt đã làm đơn thư gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã phong tỏa 2 tài khoản đứng tên vợ chồng ông Việt để chờ kết quả giải quyết.

Trả lời đơn thư của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, nhà đầu tư chờ kết quả giải quyết của cơ quan điều tra.

Trong khi đó, vụ án Lê Hồ Khôi và các đồng phạm nhiều lần được đưa ra xét xử cũng như nhiều lần bị yêu cầu điều tra lại, thậm chí chuyển đổi tội danh nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra xác định 19 tài khoản đã bị các bị can tự ý sử dụng để cầm cố cho khoản vay 56 tỷ đồng tại Habubank (nay đã sáp nhập). Trong số 19 tài khoản này có tài khoản của ông Trần Quốc Việt. Chữ ký của các cá nhân này trên các hồ sơ cầm cố là chữ ký giả.

Không chỉ có hồ sơ này, tài khoản của ông Trần Quốc Việt cũng bị đưa vào hồ sơ cầm cố chứng khoán tại BIDV - Hai Bà Trưng vay số tiền 45 tỷ đồng. Chữ ký trong hồ sơ của ông Việt là chữ ký giả.

Cơ quan công tố đã xác định để khôi phục quyền lợi hợp pháp của các khách hàng này, phía ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số lượng, mã chứng khoán đã cầm cố từ hành vi trái pháp luật của các bị can. Dù vậy, cho đến nay, vụ án chưa có phán quyết có hiệu lực pháp luật.

Bức xúc với việc tài sản bị phong tỏa kéo dài, vừa qua, ông Việt lại một lần nữa đơn thư đến Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cho rằng TAS hoạt động trái quy định pháp luật, tự ý mua bán trái phép trên tài khoản của nhà đầu tư, không theo dõi hạch toán theo quy định thì các cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm. Việc phong tỏa tài khoản kéo dài khiến nhà đầu tư thua thiệt. Ông Việt đề nghị cơ quan chức năng căn cứ vào hồ sơ tài liệu để sớm giải tỏa số cổ phiếu có trong tài khoản.            

Chuyên đề