Chạy nước rút rà soát điều kiện kinh doanh

(BĐT) - Một số quy định ban hành trước, thậm chí cùng thời điểm với Luật Đầu tư 2014, với yêu cầu thêm các thủ tục so với Luật đang gây không ít khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.
Khó ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh trước ngày 1/7/2016. Ảnh: Tất Tiên
Khó ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh trước ngày 1/7/2016. Ảnh: Tất Tiên

Quy định chồng chéo

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, các văn bản pháp luật liên quan không tương thích với Luật Đầu tư 2014 chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở và bất động sản, các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Sự khác nhau này thể hiện ở các phương diện như: khác nhau về trật tự các thủ tục cụ thể; khác nhau về số lượng và loại hồ sơ, nội dung hồ sơ chấp thuận, điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT); khác nhau về quy trình thủ tục, thẩm quyền giải quyết một số thủ tục cụ thể và toàn bộ thủ tục đầu tư nói chung. “Vì có sự khác nhau này nên trong thực tế khi thực hiện các thủ tục đầu tư, địa phương, cơ quan có liên quan phải xin ý kiến của các bộ, cơ quan ở Trung ương, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, thậm chí không thể hoàn thành thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư”, ông Cung cho biết.

Theo Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, để được cấp GCNĐKĐT đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện, Luật Đầu tư không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành và cơ quan liên quan; không yêu cầu các tài liệu như Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giải trình kinh tế - kỹ thuật, Giải trình đáp ứng điều kiện… Tuy nhiên, qua quá trình rà soát cho thấy, một số quy định pháp luật chuyên ngành (được ban hành trước hoặc cùng thời điểm với Luật Đầu tư 2014) vẫn yêu cầu thêm thủ tục, gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.

Điển hình như, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định: Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Hay trong lĩnh vực đất đai, đối với hồ sơ “chấp thuận chủ trương đầu tư”, Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở yêu cầu thêm các giấy tờ so với Luật Đầu tư như: Văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương dự án xây dựng nhà ở; Bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chưa rõ thẩm quyền và trình tự giải quyết (cụ thể là thẩm quyền thuộc cấp UBND tỉnh hay Thủ tướng Chính phủ; trình tự thủ tục do Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Sở Xây dựng làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ).

Nguy cơ làm nhà đầu tư nản lòng

Trước tiến độ soạn thảo các nghị định tương ứng về điều kiện kinh doanh để kịp ban hành trước ngày 1/7/2016 là khó khả thi, trong khi các thông tư liên quan ở thời điểm này sẽ hết hiệu lực, lại chưa có quy định thay thế, ông Nguyễn Đình Cung bày tỏ quan ngại thực tế này có thể gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh của DN trong các ngành nghề, lĩnh vực tương ứng. “Kỳ vọng vào mục tiêu cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư có nguy cơ không thành công”, ông Cung cảnh báo.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền, để thu hút vốn đầu tư tư nhân thì môi trường đầu tư phải thực sự thông thoáng và thuận lợi, dự án phải được nhanh chóng đưa vào triển khai, thực hiện và sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cần phải nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện. Nếu quá trình thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư dự án mất nhiều thời gian thì dù dự án có thực sự hấp dẫn cũng sẽ làm nhà đầu tư “nản lòng” khi đeo đuổi vì nhà đầu tư không thể “ôm một cục tiền lớn ngồi chờ đợi” dự án triển khai hàng mấy năm trời.

Chuyên đề