Cấp thiết có Luật Quy hoạch

(BĐT) - Cách tiếp cận khi làm Luật Quy hoạch, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông, là không phủ nhận quá khứ, ghi nhận những gì mà các quy hoạch cũ đã làm cho đất nước phát triển đến ngày nay, nhưng trong tình hình mới, bối cảnh phát triển mới đòi hỏi phải làm theo cách mới.
Thay đổi về lập quy hoạch cũng là thay đổi về thể chế để phục vụ cho nền kinh tế thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Thay đổi về lập quy hoạch cũng là thay đổi về thể chế để phục vụ cho nền kinh tế thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Quy hoạch kiểu cũ sẽ cản trở phát triển

Sau nhiều lần đưa ra lấy ý kiến, đến nay Dự thảo Luật Quy hoạch đã nhận được sự đồng tình rất cao của nhân dân, lãnh đạo các địa phương rất mong mỏi, các ý kiến trong Chính phủ cũng đã đi đến đồng thuận cao. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến muốn giữ quy hoạch xây dựng thay vào quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, thậm chí còn cho rằng không cần thiết làm Luật Quy hoạch vì mọi thứ đang diễn ra bình thường.

Bàn về câu chuyện này, tại Hội thảo mở rộng về dự thảo Luật Quy hoạch, diễn ra sáng ngày 4/4, PGS. TS. Trần Trọng Hanh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kiến trúc thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, nếu giữ nguyên như hiện nay thì rất thuận, Luật Quy hoạch sẽ không bị nhiều lực cản để 5 năm chưa thông qua được. Nhưng như vậy là có tội rất lớn với nhân dân, với đất nước, bởi nhiều quy hoạch hiện nay đang chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, làm lãng phí nguồn lực rất lớn, có thể khiến chúng ta tự sa vào bẫy thu nhập trung bình. Quy hoạch phải thiết kế đồng bộ, sau đó “chế tạo” bằng nhiều cách, nhiều nguồn lực khác nhau, hướng tới tư tưởng phát triển bền vững, chứ không phải mạnh ai nấy làm.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chỉ ra cách làm quy hoạch cũ là vẫn muốn chi phối thị trường, quen điều hành theo năng lực sản xuất, làm được cái gì thì đưa vào quy hoạch, mà không theo nhu cầu thị trường. Quan hệ giữa Chính phủ và thị trường, cách thức điều hành sản xuất đến nay phải đổi mới, nhất là khi nói đến Chính phủ kiến tạo. Theo ông Liêm, Chính phủ kiến tạo chỉ tạo điều kiện cho thị trường hoạt động, chứ không chỉ huy thị trường như trước nữa. Quy hoạch gì không phù hợp nữa thì phải bỏ đi, giữ như cũ sẽ là vướng mắc, cản trở phát triển. Cái thiếu hiện nay là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và lĩnh vực quy hoạch cần có một luật khung.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nhấn mạnh, thay đổi về lập quy hoạch cũng là thay đổi về thể chế để phục vụ cho nền kinh tế thị trường. 

Khó nhất là từ bỏ thói quen, lợi ích

Nếu Luật Quy hoạch được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5 này, trong vòng 2 năm đến năm 2019 đã có thể có bản quy hoạch tổng thể mới nếu hợp tác, làm việc tích cực...
Trong Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin tới Thường vụ Quốc hội ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về xây dựng cho rằng trên thế giới không có quy hoạch xây dựng.

Tại Hội thảo, ông Hanh, ông Liêm và ông Võ – những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, đất đai, một lần nữa khẳng định trên thế giới, ở các quốc gia theo đường lối thị trường từ xưa đến nay không có quy hoạch xây dựng.

Theo ông Hanh, quy hoạch xây dựng ra đời ở nước ta từ những năm 90 của thế kỷ trước, là hệ quả của thể chế quy hoạch quá độ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường…, đến nay không còn phù hợp nữa.

Ông Liêm làm rõ thêm, dự thảo Luật Quy hoạch không bỏ quy hoạch xây dựng đi, mà chỉ là thay đổi tên gọi, nội hàm vẫn bao gồm cả quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng đã được tích hợp vào trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Các nước hay gọi là quy hoạch phát triển, quy hoạch tổng thể, quy hoạch không gian, quy hoạch vật thể, nhưng không có nước nào gọi là quy hoạch xây dựng cả.

Ông Hanh cho rằng, cái khó nhất từ cách làm mới theo Luật Quy hoạch là từ bỏ thói quen và vượt qua được lợi ích cục bộ của một số bộ, ngành bị ảnh hưởng do mất đi một số quy hoạch được giao lập. 

Cách làm mới hoàn toàn khả thi

Theo dự thảo Luật, phương pháp và nội dung quy hoạch sẽ được đổi mới, các ngành, lĩnh vực được tích hợp trong quy hoạch tổng thể các cấp. Có ý kiến từ một cơ quan đến nay cho rằng, không thể tích hợp các quy hoạch được, nếu làm được cũng phải mất 7 - 10 năm nữa, tạo ra khoảng trống, làm đình trệ phát triển kinh tế - xã hội.

Làm rõ việc lập quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp là gì, có làm được không, tính khả thi ra sao, ông Đặng Hùng Võ cho biết, nói có vẻ khó nhưng công nghệ thông tin hiện nay làm được. Hiểu nôm na tích hợp là chồng, ghép nối tất cả các lớp quy hoạch lên, khớp vào nhau thì không sao, không khớp thì sửa.

Thứ trưởng Đông làm rõ thêm, phương pháp tích hợp trong lập quy hoạch đã làm và làm được tại một số tỉnh như Bắc Ninh, không phải quá mới mẻ. Tích hợp như là ghép một bức tranh với nhiều miếng ghép, lấy tất cả bản vẽ quy hoạch hiện nay của các bộ, ngành để khớp nối lại, cùng ngồi với nhau để thấy cái gì chồng chéo, bất hợp lý thì căn chỉnh lại.

Thứ trưởng Đông khẳng định, nếu Luật Quy hoạch được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5 này, trong vòng 2 năm đến năm 2019 đã có thể có bản quy hoạch tổng thể mới; nếu hợp tác, làm việc tích cực, đến năm 2021 khi bước sang giai đoạn phát triển mới đã có bản quy hoạch tổng thể dẫn dắt phát triển. Nếu việc khởi động chậm hơn sẽ không kịp, ảnh hưởng đến cả giai đoạn phát triển 2021 - 2030.

Chuyên đề