Cấp thiết cải cách toàn diện về quy hoạch

(BĐT) - Khẳng định việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật chính là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Ảnh: Lý Kiệt
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Ảnh: Lý Kiệt

Đặc biệt, cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước.

Minh bạch hóa các định hướng ưu tiên phát triển

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Quy hoạch trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc ban hành Luật là cần thiết và cấp bách để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch. Đồng thời, Luật cũng hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển.

Thẩm tra Dự án Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng Dự án Luật cần đáp ứng yêu cầu tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, UBKT cho rằng, cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch; đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư. Mặt khác, quy hoạch tổng thể quốc gia còn là công cụ để cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và làm minh bạch hóa các định hướng ưu tiên phát triển để doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tự quyết định đầu tư.

Với tầm quan trọng như vậy, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia. 

Quốc hội phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia

Việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch.
Cho ý kiến tại Tổ về Dự án Luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) bày tỏ đồng thuận cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch và nhấn mạnh quan điểm phải làm sao để quy hoạch phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của đất nước. Đại biểu này nhận định: “Thời gian vừa qua chúng ta đã xây dựng quá nhiều quy hoạch (trên 19.200 quy hoạch), so với số lượng quy hoạch cách đây 10 năm (khoảng 3.000 quy hoạch) thì đã có sự tăng đột biến về lượng, vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế”.

Dựa trên góc tiếp cận này, đại biểu Ngân góp ý nên nghiên cứu bỏ Khoản 2 Điều 7 của Dự thảo Luật (Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch), vì theo đại biểu này, hoạt động quy hoạch là hoạt động chung của quốc gia, ngân sách quốc gia đủ để chi trả cho hoạt động này. “Nếu để cá nhân, tổ chức tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch thì e rằng sẽ có những tác động nhất định, tạo lợi ích cho tổ chức, cá nhân tài trợ” – ông Ngân nghi ngại.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Đoàn Hà Nội) cho rằng, sẽ khó đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong hoạt động quy hoạch nếu quy định như Khoản 2 Điều 7 của Dự thảo Luật. Đại biểu Hoa đề nghị quy định nội dung này theo hướng kinh phí cho hoạt động quy hoạch được ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch cũng như thẩm quyền quyết định quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định quan điểm, những vấn đề mang tầm quốc gia, quy hoạch tổng thể, chiến lược cấp quốc gia thì phải do Quốc hội quyết định; những quy hoạch vùng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định; quy hoạch tỉnh, thành phố thì do HĐND tỉnh, thành phố quyết định. Bởi, quy hoạch tổng thể cấp quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quyết định phân bổ các nguồn lực, phân công lao động một cách hợp lý cho từng khu vực.

Bày tỏ quan điểm riêng của mình, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP.HCM) nêu vấn đề: Đội ngũ tư vấn làm quy hoạch hiện nay chưa mạnh, điển hình như tại TP.HCM, mặc dù đã triển khai nhiều quy hoạch nhất nhì cả nước nhưng chất lượng quy hoạch vẫn chưa cao, tính khả thi thấp và thiếu ý tưởng đột phá. Trong khi đó, kinh phí dành cho hoạt động quy hoạch còn hạn chế, dẫn tới việc khó thu hút được tư vấn có chất lượng, tư vấn nước ngoài tham gia đấu thầu tư vấn lập các đồ án quy hoạch. Dẫn chứng cho nhận định này, đại biểu Tuyết thông tin, quy hoạch về du lịch tại Quảng Ninh được sự tư vấn của đội ngũ tư vấn nước ngoài thì có giá khoảng 40 tỷ đồng, trong khi đó tư vấn cho đồ án quy hoạch du lịch ở TP.HCM lại chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng. Với định mức cho quy hoạch như hiện nay thì rất khó để có những quy hoạch có chất lượng cao.

Chuyên đề