Cán bộ sai phạm, VDB mất tiền tỷ

(BĐT) - Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Quỹ Hỗ trợ phát triển - chi nhánh Bắc Ninh (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB). 
Cơ quan điều tra phát hiện nhiều hành vi sai phạm của các cán bộ Quỹ Hỗ trợ phát triển - chi nhánh Bắc Ninh, nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Tiên Giang
Cơ quan điều tra phát hiện nhiều hành vi sai phạm của các cán bộ Quỹ Hỗ trợ phát triển - chi nhánh Bắc Ninh, nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Tiên Giang

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện nhiều hành vi sai phạm của các cán bộ ngân hàng này.

Vay vốn hỗ trợ phát triển nhờ hồ sơ khống

Tháng 6/2005, Công ty CP Dệt Quế Võ được thành lập có trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ. Chỉ sau nửa năm, công ty này đã có được hợp đồng tín dụng 45 tỷ đồng với Quỹ Hỗ trợ phát triển Bắc Ninh để đầu tư xây dựng nhà máy dệt.

Công ty CP Dệt Quế Võ đã lập Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Dệt Quế Võ tại KCN Quế Võ với tổng mức đầu tư của Dự án là 99,5 tỷ đồng, nguồn vốn gồm 50% vốn tự có của chủ đầu tư, 50% là vốn vay. Nguồn vốn vay được dùng vào mục đích đầu tư xây dựng và nhập khẩu máy móc thiết bị cho Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Dệt Quế Võ.

Hồ sơ vay vốn thể hiện chủ đầu tư Dự án - Công ty Dệt Quế Võ đã có quyết định chọn nhà thầu là Công ty New Century Great LCC để cung cấp dây chuyền máy móc thiết bị cho Nhà máy. Đơn vị được ủy thác nhập khẩu là Công ty CP Dệt may xuất khẩu Chương Dương có trụ sở ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo hợp đồng 3 bên thì Công ty Dệt Quế Võ mua thiết bị máy móc của Công ty New Century Great LCC với giá trị 3.776.600 USD, đơn vị nhập khẩu ủy thác là Công ty Chương Dương. Thời gian giao hàng từ tháng 1/2006 đến tháng 3/2006; hình thức thanh toán bằng điện chuyển tiền vào tài khoản của người bán (công ty nhập khẩu). Các hợp đồng, tài liệu này sau đó được Công ty Dệt Quế Võ đưa vào hồ sơ vay vốn và được giải ngân 45 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 72 tháng, thời hạn trả nợ gốc là 60 tháng, lãi suất nợ trong hạn là 7,8%/năm.

Nhưng sau này Công ty Dệt Quế Võ không trả được nợ gốc và lãi đúng thời hạn. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện thực chất là hồ sơ giả mạo. Cụ thể, Công ty Dệt Quế Võ do Nguyễn Việt Hoàng đứng tên đại diện theo pháp luật. Nhưng thực chất, công ty này lại do vợ chồng Doãn Ngọc Giang và Kiều Thị Thanh Hương (hiện đang bỏ trốn) thành lập.

Công ty CP Dệt may xuất khẩu Chương Dương – đơn vị ủy thác nhập khẩu, thực chất cũng là do vợ chồng Giang thành lập. Quá trình thực hiện giải ngân, các hồ sơ thanh toán và điện chuyển tiền đều được làm khống. Các tài liệu nhập khẩu máy móc, thiết bị đều là bản photocopy được Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Chương Dương ký và đóng dấu công ty này.

Với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các bị cáo Nguyễn Việt Hoàng và Nguyễn Quốc Hùng lĩnh án 15 năm tù. 

VDB xin giảm nhẹ tội cho cán bộ sai phạm

Ngân hàng VDB xác định bị chiếm đoạt hơn 28,3 tỷ đồng và tiền lãi là 57,4 tỷ đồng. VDB yêu cầu các bị cáo chiếm đoạt phải bồi thường toàn bộ gốc và lãi cho Ngân hàng.
Cơ quan điều tra cũng phát hiện nhiều hành vi sai phạm của cán bộ ngân hàng. Hồ sơ tín dụng nói trên do Nguyễn Thế Tài thẩm định. Mặc dù tại thời điểm Công ty Dệt Quế Võ đề nghị vay vốn, dự án mới do chủ đầu tư tự lập, chưa có ý kiến của các sở, ban ngành địa phương, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; Công ty CP Dệt Quế Võ mới được thành lập vào tháng 6/2005, không có báo cáo tài chính của quý gần nhất, cũng không có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của cơ quan thuế; nhưng ngày 30/11/2005, Tài đã có báo cáo thẩm định tổng hợp với nội dung chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đúng quy định.

Khi giải ngân, Nguyễn Thế Tài tiếp nhận hồ sơ nhưng không kiểm tra bộ chứng từ gốc, so sánh đối chiếu với số lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu theo hồ sơ và đã chấp nhận tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa là bản photocopy do Công ty Chương Dương ký đóng dấu Sao y bản chính. Thậm chí trong lần giải ngân thứ 5, 6, hồ sơ nhập khẩu không có cả tờ khai hải quan để làm thủ tục ký chấp nhận thanh toán.

Một số cán bộ khác như Trần Đức Lực, Nguyễn Huy Bình và Nguyễn Thế Thư đã làm trái các quy định về giải ngân vốn, trái các quy trình nghiệp vụ cho vay đầu tư...

Tại phiên tòa, bị cáo Tài khai nhận nội dung báo cáo thẩm định, hồ sơ giải ngân là bản photocopy (không có bản gốc), lãnh đạo phòng và chi nhánh biết nhưng vẫn chấp thuận. Bị cáo cho rằng việc giải ngân do lãnh đạo Phòng và Chi nhánh quyết định, nhưng cáo trạng đánh giá bị cáo vai trò chính là không phù hợp.

Ngân hàng VDB xác định bị chiếm đoạt hơn 28,3 tỷ đồng và tiền lãi là 57,4 tỷ đồng, yêu cầu các bị cáo chiếm đoạt phải bồi thường toàn bộ gốc và lãi cho Ngân hàng. VDB cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho tất cả 4 bị cáo nguyên là cán bộ của Quỹ Hỗ trợ phát triển - chi nhánh Bắc Ninh.

Cũng tại phiên tòa, đại diện VDB cho rằng, đối với khoản vay của Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Dệt Quế Võ, từ khâu thẩm định dự án trước khi ký kết hợp đồng và quá trình giải ngân, các bị cáo ở Quỹ đã có nhiều thiếu sót. Quá trình giải ngân kiểm soát hồ sơ không chặt chẽ, không có hồ sơ gốc; kiểm tra giải ngân không sâu sát.

Tòa án đã tuyên buộc 4 bị cáo là nguyên lãnh đạo, cán bộ VBD gồm: Nguyễn Thế Tài (cán bộ tín dụng), Trần Đức Lực (nguyên Phó Giám đốc), Nguyễn Huy Bình (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Tín dụng), Nguyễn Thế Thư (nguyên Giám đốc) lĩnh án từ 6 - 8 năm tù vì tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Chuyên đề